Chị Mộc L lo lắng, bé 24 tháng chưa nói được từ nào, chỉ bập bẹ âm, ít nhìn mắt khi người lớn nói chuyện; mau chán khi chơi đồ chơi. Bé được chẩn đoán chậm nói. Vậy có thể trị liệu được không?
Rối loạn ngôn ngữ ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Nhiều trẻ có những vấn đề ngôn ngữ kéo dài đến giữa thời thơ ấu và lâu hơn, ảnh hưởng đáng kể lên sự tương tác hằng ngày.
Trẻ chậm hiểu những gì người khác nói và khó diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Tuy nhiên đôi lúc chúng ta lại vô tình bỏ qua những dấu hiệu này của con trẻ. Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình chờ đợi “rồi con sẽ biết nói hết”.
Hậu quả, chính cha mẹ đã đánh mất “thời gian vàng” của trẻ để phát triển ngôn ngữ, gây khó khăn cho trẻ khi giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống khi lớn lên.
Theo CN Cao Phương Anh, Trưởng Đơn vị Âm ngữ trị liệu Phòng khám Đa khoa (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), ở Việt Nam, khoảng 7% trẻ mẫu giáo 5 tuổi bị rối loạn ngôn ngữ.
Những trẻ chậm nói ở độ tuổi lên 2, 50% ‘tự hết’ ở 3 tuổi; 50% còn lại tiếp tục với sự chậm trễ dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ.
Trước tuổi đi học, trẻ có thể gặp tình trạng như ít sử dụng từ vựng mới; khó khăn học các từ mới; lựa chọn sai từ. Trẻ gặp khó khăn trong việc xác định các tính chất của vật; các điểm giống nhau - các điểm khác nhau.
Các biểu hiện rối loạn ngôn ngữ ở trẻ mà phụ huynh cần lưu tâm: Sử dụng câu ngắn; mẫu câu không đa dạng, kém sử dụng các mẫu câu hỏi khác nhau; sai trật tự từ trong câu; ít sử dụng các từ nối trong câu (và, nhưng, sau đó...); thất bại khi thêm vào thông tin số ở trước danh từ ( 3 cái bánh, ...).
Khi trẻ bị chậm nói, rối loạn trong biểu đạt, các chuyên gia cho biết, trẻ sẽ bị loại ra khỏi tương tác, bị bạn bè trang lứa từ chối, bị phớt lờ khi tham gia hoạt động trong các nhóm.
Trẻ sẽ có khuynh hướng chơi với những đứa trẻ cũng mắc rối loạn ngôn ngữ hoặc những trẻ cũng gặp vấn đề tương tự. Trẻ không cởi mở, tăng cảm giác bị cô đơn.
ThS Hoàng Văn Quyên, Cố vấn Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám Đa khoa (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể được can thiệp điều trị sớm với mô hình đơn giản kết nối các hoạt động của trẻ với ngôn ngữ.
Bao gồm các hoạt động: Tự nói, nói song song, bắt chước trẻ, mở rộng, kéo dài, xây dựng và chia nhỏ. Qua đó, giúp trẻ bắt chước, mở rộng vốn từ, học cách diễn đạt lại.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị, để phòng tránh các rối loạn ngôn ngữ do bệnh lý, người mẹ trước khi mang thai nên tiêm ngừa Rubella, tầm soát khả năng nghe kém ở trẻ sơ sinh.
Các bậc phụ huynh khi phát hiện tình trạng rối loạn ngôn ngữ hay chậm nói càng sớm, kịp thời đưa con đi khám để được các chuyên gia can thiệp, khắc phục sẽ giúp con trẻ tự tin giao tiếp với mọi người.