Bé Nguyễn Phương M. 2,5 tuổi nhưng chỉ nói được vài từ. Lo con bị tự kỷ, mẹ cháu đưa đến các phòng khám chuyên khoa tâm lý để đánh giá. Được biết con không bị tự kỉ, chị yên tâm cho con đi học mầm non, nhưng sau nửa năm vẫn không thấy cháu nói nhiều thêm.
Mãi đến khi đi khám tại Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ, mới biết cháu chậm nói là do nghe kém.
Lời bàn: ThS.BS Lại Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thính học & Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, nhiều gia đình nghĩ con bị tự kỷ và có tư tưởng chờ đợi rồi con sẽ biết nói dẫn đến mất “thời gian vàng” để phát triển ngôn ngữ, gây khó khăn cho trẻ khi giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống.
Chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể là biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ hoặc là biểu hiện của sự trì trệ của vùng ngôn ngữ trên não bộ dù trí tuệ và tâm lý của trẻ bình thường.
Có những bé bị bệnh bại não, chậm phát triển trí tuệ cũng dẫn đến chậm nói. Và đặc biệt có những bé bị nghe kém thì chắc chắn chậm nói hoặc thậm chí không có ngôn ngữ tùy vào mức độ nghe kém.
Do đó, việc đầu tiên khi thăm khám các bé chậm nói, các bác sĩ sẽ đo thính lực để loại trừ các nguyên nhân gây ra chậm nói là do thính lực hay do có vấn đề về bại não hay chậm phát triển trí tuệ. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp trẻ nói đuổi kịp bạn bè.