Nhiều trẻ cần điều trị ở tuổi dậy thì
Trẻ dậy thì sớm đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh, nhất là khi độ tuổi dậy thì của trẻ ngày càng sớm hơn so với trước. Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện chẩn đoán, quản lý và điều trị cho nhiều trường hợp dậy thì sớm.
Như trường hợp của cháu N.N.D (7 tuổi) trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, hay cảm thấy đau vùng ngực khi chạm vào. Lo lắng cho con gái có vấn đề về sức khỏe, phụ huynh đã đưa cháu D. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra.
Qua thăm khám đánh giá cháu D. có tuyến vú phát triển, chưa có lông mu, lông nách và kinh nguyệt. Do đó, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm nội tiết, chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não.
Dựa vào các tiêu chuẩn, cháu D. được chẩn đoán dậy thì sớm. Dù bất ngờ với chẩn đoán dậy thì sớm, nhưng gia đình cảm thấy may mắn khi con được thăm khám kịp thời, chẩn đoán chính xác. “Tắm cho con thấy con hay nói đau ngực, sợ u cục gì nên đưa cháu đi khám.
Cháu còn nhỏ, chiều cao cũng không chênh lệch các bạn cùng lớp là mấy mà lại bị dậy thì sớm. Hiện cháu đã điều trị được nửa năm, nhờ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám phát hiện và điều trị kịp thời mà con tôi sẽ được phát triển bình thường như bạn bè”, phụ huynh cháu D. tâm sự.
X-quang xương cổ tay trái của trẻ 7 tuổi dậy thì sớm - Ảnh BVCC |
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hiện đang theo dõi, quản lý và điều trị cho hơn 20 trẻ dậy thì sớm ở độ tuổi từ 6 – 8, chủ yếu là bé gái với biểu hiện đến khám ban đầu thường là đau ngực, to cao vượt trội so với bạn bè cùng tuổi.
Dậy thì sớm là sự xuất hiện các đặc điểm hình thể và hormone của dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường. Cụ thể, tuổi dậy thì sớm ở bé gái là trước 8 tuổi (phát triển tuyến vú và lông mu trước 8 tuổi, kinh nguyệt trước 10 tuổi) và ở bé trai là trước 9 tuổi (thể tích tinh hoàn và lông mu tăng trước 9 tuổi).
Nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ thường vô căn, trẻ gái > 90% không rõ nguyên nhân, không có tổn thương thực thể, trẻ trai > 50 % có tổn thương thực thể thần kinh trung ương. Việc dậy thì sớm ngày càng gia tăng có thể liên quan tới mức độ béo phì ở trẻ em, cùng với đó là yếu tố về di truyền, môi trường và những rối loạn nội tiết khác.
Nhiều hệ lụy khi dậy thì sớm
BSCKI Nguyễn Thị Lan, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Biểu hiện dễ thấy của dậy thì sớm ở trẻ gái là đau ngực, tuyến vú phát triển, âm đạo tăng tiết dịch. Ở trẻ trai giọng trầm, giọng ồm, tinh hoàn và dương vật to lên, trứng cá, mọc ria mép, mùi cơ thể.
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu tăng trưởng nhanh, to cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa, xuất hiện lông nách, lông mu… Trẻ dậy thì sớm có thể bị ảnh hưởng gây tâm lý lo lắng, còn quá nhỏ để nhận thức đầy đủ về những thay đổi của bản thân nên dễ thấy hoang mang, tự ti với bạn bè.
Bên cạnh đó, dậy thì sớm còn khiến trẻ không được phát triển tối ưu về mặt chiều cao và thể chất. Hiện tại có thể cha mẹ thấy trẻ cao lớn hơn các bạn cùng tuổi nhưng đến khi trưởng thành trẻ sẽ thấp hơn các bạn.
Không chỉ ảnh hưởng đến chiều cao, việc phát triển tuyến vú sớm hoặc có kinh sớm ở trẻ gái và dậy thì sớm ở trẻ trai sẽ mang đến nguy cơ lạm dụng tình dục, quan hệ tình dục sớm, đặc biệt là nguy cơ mang thai ngoài ý muốn hay phá thai khi quá nhỏ tuổi.
Ở những trẻ này tuổi mãn kinh cũng sẽ sớm hơn bình thường. Vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa nhi, đủ năng lực chẩn đoán, điều trị để trẻ được can thiệp kịp thời”.
Bác sĩ Lan cho hay, để chẩn đoán xác định, trẻ đến khám sẽ được chỉ định chụp Xquang cổ tay trái để xác định tuổi xương, làm các xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone, siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm tinh hoàn-tuyến thượng thận, tùy theo kết quả sẽ có thể chụp MRI sọ não để chẩn đoán nguyên nhân.
Bác sĩ thăm khám cho bé gái 7 tuổi dậy thì sớm - Ảnh BVCC |
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện quản lý, theo dõi và điều trị dậy thì sớm bằng thuốc Triptorelin 3,75 mg, định kỳ 28 ngày/lần.
Phương pháp này sẽ làm chậm lại quá trình dậy thì sớm, giúp trẻ có thể đạt được chiều cao tối đa. Các áp lực tâm sinh lý cũng được hạn chế, nhờ vậy trẻ được phát triển đúng độ tuổi, có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất để trưởng thành.
“Những trẻ điều trị ức chế dậy thì sau khi dừng thuốc sẽ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác, thuốc cũng không gây ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ và cũng không có tác dụng phụ nào đến các bộ phận khác trên cơ thể.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần được sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, các bậc phụ huynh không tự ý đưa con đi tiêm để tránh nguy cơ có thể xảy ra”, bác sĩ Lan nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm đến sự thay đổi ở trẻ, nếu xuất hiện các dấu hiệu về dậy thì sớm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cha mẹ cần bình tĩnh giải thích cho con sự thay đổi sinh lý này để trẻ không quá lo lắng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chủ động phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ lượng, sinh hoạt lành mạnh và khuyến khích trẻ tăng cường vận động.