Cắt dây rốn chậm đối với trẻ sơ sinh

Hiện nay đang có một sự thay đổi xu thế trong việc cắt dây rốn, nhiều bà mẹ cho rằng việc cắt dây rốn chậm sẽ giúp bé khỏe mạnh, phát triển thông minh hơn...

Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, cắt dây rốn là một việc thiết yếu để giúp trẻ tách ra hoàn toàn với cơ thể mẹ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh, dây rốn sẽ ngừng đập, nhau thai không thể truyền chất dinh dưỡng sang cho bé nữa. Trẻ có nguy cơ nhiễm trùng rốn nếu trì hoãn thời gian cắt rốn quá lâu.

Xuất phát từ các bằng chứng lâm sàng của các nghiên cứu về kẹp cắt dây rốn chậm, WHO đã khuyến cáo nên kẹp cắt dây rốn muộn (khi dây rốn ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai) cho tất cả các trường hợp đẻ thường để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Chỉ kẹp cắt dây rốn sớm (trước 01 phút) đối với các trường hợp trẻ ngạt cần phải hồi sức tích cực.

Kẹp cắt dây rốn chậm.

Kẹp cắt dây rốn chậm.

Các nghiên cứu về sinh lý trẻ sơ sinh cho thấy, trong phút đầu tiên sau sinh, lượng máu truyền từ bánh rau sang trẻ khoảng 80ml và có thể lên 100ml trong 3 phút sau sinh. Lượng máu này giúp trẻ không bị thiếu máu trong những tháng đầu đời.

Lượng máu thêm này cung cấp thêm cho trẻ một lượng sắt tương ứng 40-50mg/kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt sẵn có trong cơ thể (khoảng 75mg/kg cân nặng) có thể giúp trẻ đủ tháng ngăn ngừa được thiếu máu thiếu sắt trong năm đầu.

Chính vì thế, cắt dây rốn chậm còn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ, góp phần giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

Cắt dây rốn chậm còn giúp giảm nguy cơ xuất huyết não thất cũng như nguy cơ nhiễm khuẩn máu cho trẻ và tăng nguồn oxy cho trẻ trong giai đoạn mới sinh.

Với những lợi ích trên, cắt dây rốn chậm giúp bé được phát triển một cách toàn diện hơn.

Theo Đời sống
back to top