Khám thai chỉ siêu âm, nhiều sản phụ nguy kịch

Nhiều chị em trong khi mang thai thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt nên chủ quan và bỏ qua việc khám thai định kỳ khiến nhiều người nhập viện nguy kịch. Biết cách quản lý thai nghén sẽ an toàn cho cả mẹ và bé.

Mất con vì chỉ siêu âm kiểm tra

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã cấp cứu thành công sản phụ 19 tuổi mang thai lần 2, thai 31 tuần. Sản phụ là chị Tòng Thị Vân, 19 tuổi (phường Phương Nam - TP Uông Bí) nhập viện trong tình trạng đau bụng và nôn nhiều. Sau khi làm xét nghiệm cho thấy sản phụ bị tiền sản giật kèm hội chứng Hellp (tăng men gan, tiểu cầu giảm và rối loạn chức năng đông máu).

Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định ngừng thai nghén bằng phương pháp phẫu thuật lấy thai để cứu sống thai nhi và giảm nguy cơ cho sản phụ. Sản phụ sau phẫu thuật được điều trị tại khoa hồi sức tích cực nội, tình trạng sức khoẻ ổn định được chuyển về khoa sản để theo dõi.

Chị Vân cho biết lúc mang thai có đi khám thai nhưng chỉ siêu âm và không làm thêm các xét nghiệm khác. Bên cạnh đó bé đầu chị sinh thuận lợi và không có gì bất thường, nên khi mang thai bé thứ 2, chị cũng không thường xuyên đi kiểm tra.

Khám thai không chỉ siêu âm mà cần khám theo chỉ định của bác sĩ - Ảnh BVCC

Khám thai không chỉ siêu âm mà cần khám theo chỉ định của bác sĩ - Ảnh BVCC

Không chỉ riêng trường hợp của chị Vân, mà hiện có nhiều chị em trong khi mang thai thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt nên chủ quan và bỏ qua việc khám thai định kỳ.

Thậm chí, một số người sống ở vùng sâu, vùng xa nên hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế nên cho rằng sinh đẻ là việc bình thường trong quá trình mang thai và chưa một lần đi khám. Ngoài ra, một số sản phụ có suy nghĩ thai to mới cần đi khám nên nhiều trường hợp có biến chứng đến gặp bác sĩ thì đã quá muộn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa khám thai muộn sẽ không thể phát hiện kịp thời những bất thường của thai nhi vì cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi trong suốt quá trình mang thai. Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm, chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi.

Vì thế, các bà mẹ không nên chờ đến khi có những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà phải chăm sóc ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ và bắt buộc việc thăm khám định kỳ cho đến ngày sinh nở.

Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu khám ít nhất 1 lần; lần thứ 2 vào 3 tháng giữa khám ít nhất 1 lần (lúc 20-24 tuần); 2 lần tiếp theo vào 3 tháng cuối khám ít nhất 2 lần. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như: Đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...

Trong các lần khám thai, thai phụ được kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim, huyết áp mẹ, tim thai, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Khi khám sẽ được thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật ở thai nhi và những bệnh lý liên quan thai kỳ.

Khám thai đầy đủ theo mốc để đảm bảo an toàn cho mẹ và con - Ảnh BVCC

Khám thai đầy đủ theo mốc để đảm bảo an toàn cho mẹ và con - Ảnh BVCC

Các mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ lỡ

Các bác sĩ bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, Quản lý thai nghén có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các nguy cơ khi chuyển dạ và giảm tối đa những tai biến sản khoa; giúp các bà mẹ có thêm kiến thức về vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển toàn diện.

Vì vậy, khi mang thai các bà mẹ nên đi khám thường xuyên để hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.

Những mốc khám thai rất quan trọng mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý, với những mốc này mẹ bầu không nên bỏ lỡ.

Mốc 11 tuần 6 ngày – 13 tuần 6 ngày

-Siêu âm hình thái thai nhi giúp phát hiện sớm các bất thường, đo khoảng sáng sau gáy kết hợp sàng lọc phát hiện sớm các hội chứng rối loạn di truyền về nhiễm sắc thể như Down, Edwards, Patau,... Đây cũng là thời điểm siêu âm đánh giá tuổi thai chính xác nhất.

Xét nghiệm công thức máu, nhóm máu ABO, nhóm máu Rh, Glucose máu, xét nghiệm sàng lọc sớm tiền sản giật, tuyến giáp nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, một số các bệnh lây truyền như HIV, giang mai, viêm gan B. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và có chỉ định điều trị hoặc theo dõi.

Từ 18 tuần – 22 tuần 6 ngày

- Siêu âm hình thái thai nhi, đây là thời điểm thích hợp để phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái thai nhi, những bất thường tim.

- Có thể tiến hành Triple Test nếu chưa làm Combined Test... , hoặc chẩn đoán trước sinh (lấy dịch ối làm nhiễm sắc thể đồ, sinh thiết gai rau hay lấy máu cuống rốn thai nhi) nếu xuất hiện bất thường.

- Đo chiều dài CTC và kênh CTC khi có chỉ định

- Tổng phân tích nước tiểu thường quy.

Mốc 24 tuần - 28 tuần

- Tiến hành nghiệm pháp tăng đường huyết xác định tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết thai kỳ.

- Xét nghiệm HbsAg và định lượng HBV – DNA chẩn đoán viêm gan B mạn tính và xem xét việc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

- Tùy thuộc vào những nguy cơ trong thai kỳ của bạn, bác sĩ sẽ có những chỉ định và điều trị phù hợp.

Mốc 31 tuần 6 ngày – 33 tuần 6 ngày

- Siêu âm hình thái thai nhi đánh giá sự phát triển của thai trong tử cung, lượng nước ối, bánh rau…

- Theo dõi chặt chẽ chỉ số huyết áp mẹ, nước tiểu.

Giai đoạn cuối của thai kỳ (36 tuần trở đi): thời điểm thích hợp làm hồ sơ sinh

Mẹ bầu được khám, siêu âm đánh giá sự phát triển của thai nhi, trọng lượng thai, ngôi thai, nước ối, bánh rau; thực hiện các xét nghiệm cơ bản sản khoa, xét nghiệm GBS (liên cầu khuẩn nhóm B ), theo dõi monitor và nhận tư vấn để chuẩn bị cho cuộc đẻ.

Cách để tăng sức đề kháng trong thai kỳ:

- Ăn đủ chất dinh dưỡng.

- Bổ sung thêm một số thực phẩm chức năng, vitamin giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể theo tư vấn của bác sĩ và chỉ định của nhà sản xuất.

- Không nên dựa vào kinh nghiệm của người khác bởi mỗi sản phụ có thai kỳ khác nhau.

Ngoài ra, để có thêm nhiều kiến thức quan trọng và nhận được sự tư vấn bổ ích trực tiếp từ các bác sĩ, chuyên gia Sản khoa trước, trong và sau thai kỳ, các mẹ bầu cũng có thể tham gia học các lớp tiền sản.

Theo VietnamDaily
back to top