2 tháng giành sự sống cho bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng

Nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều di chứng. Trẻ bị bệnh thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa... cần chú ý phòng tránh.

Sốc nhiễm khuẩn, áp xe phổi do tụ cầu vàng

Ngày 7/1, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện đã thành công sau 2 tháng giành giật sự sống cho bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn, áp xe phổi do tụ cầu vàng.

Theo thông tin từ khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: thời gian qua, khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái L.N.A.N (2 tháng tuổi, trú tại Quỳ Hợp) bị nhiễm khuẩn rất nặng do nhiễm tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi ổn định được xuất viện - Ảnh BVCC

Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi ổn định được xuất viện - Ảnh BVCC

Người nhà bệnh nhi cho biết, trẻ xuất hiện ho, khò khè, bỏ bú kèm theo sốt, mệt mỏi. Đến ngày 12/11/2024, sau 3 ngày diễn biến, bệnh nhi được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị: Sốc nhiễm khuẩn, áp xe phổi, kén khí phổi do tụ cầu vàng.

Tại đây, các bác sĩ khoa đã nhanh chóng hồi sức và cấp cứu cho trẻ, điều trị thở máy, truyền dịch và dùng kháng sinh. Tình trạng trẻ bệnh nặng, diễn biến không thuận lợi, suy chức năng các cơ quan, tình trạng tràn khí màng phổi 2 bên nhiều, ảnh hưởng huyết động.

Các bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh đã hội chẩn, phối hợp cùng chuyên khoa Ngoại chọc hút, dẫn lưu khí màng phổi, thở máy cao tần, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm 1 nòng, duy trì vận mạch. Quá trình nằm viện trẻ có nhiều lần diễn biến nặng.

Tuy nhiên, với tình thương, quyết tâm không bỏ cuộc của đội ngũ cán bộ khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, sau 1 tháng điều trị, trẻ đã cai được máy thở. Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi ổn định được xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và các y bác sĩ khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh.

Nhiều biến chứng đe dọa tính mạng

Các bác sĩ bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều di chứng. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng huyết tụ cầu ở trẻ em là do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắn hoặc vết thương khác khác trên vùng da lành...

Chúng sẽ tiết ra các chất độc hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi, tim, xương, khớp... Trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có thể có ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa trên một trẻ đã hoặc đang có tổn thương mụn, nhọt ngoài da trước đó. Cá biệt một số trẻ nhỏ không có đường vào ngoài da rõ rệt gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo BSCKI Lê Phước Đức, khoa Hồi sức tích cực Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị) cho biết, trong đời sống, tụ cầu vàng có tên khoa học là Staphylococcus aureus. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể người thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông, hoặc thông qua các vết thương.

Trên một số đối tượng đặc biệt như suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, suy dinh dưỡng... tụ cầu vàng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do S. Aureus gây ra là nhiễm trùng da và mô mềm như áp xe hoặc viêm mô tế bào.

- Áp xe: Ổ áp xe hình thành tại vị trí vết thương, thường chứa đầy mủ. Khu vực xung quanh ổ áp xe thường đỏ, đau và sưng tấy. Vùng da xung quanh ổ áp xe có thể ấm khi chạm vào.

- Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng các lớp bên dưới của da. Thông thường là vết xước hoặc vết cắt trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Viêm mô tế bào có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường xảy ra nhất ở chân hoặc cánh tay. Các triệu chứng bao gồm đỏ, sưng và đau ở vị trí nhiễm trùng.

Vi khuẩn Staphylococcus aureus cũng có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phổi (nhiễm trùng phổi) hoặc nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu), sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi, suy đa tạng...

Khuẩn tụ cầu có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng một số người có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng cao hơn, đó là:

- Người có vết thương hở hoặc vết loét.

- Người gần đây đã ở bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe khác trong một thời gian dài.

- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như những người mắc bệnh ung thư đang được hóa trị.

- Người có một thiết bị y tế cấy ghép, chẳng hạn như khớp nhân tạo.

- Người sống chung hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm tụ cầu khuẩn.

- Người được chạy thận.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng cho trẻ

- Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc thoáng, tránh để mồ hôi vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh.

- Khi tắm cho trẻ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn.

- Khi trẻ có mụn, nhọt cha mẹ không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu.

- Vết cắn, vết trầy xước trên da phải luôn được giữ sạch sẽ cho đến khi lành.

- Nếu trẻ có sốt hoặc vùng tổn thương ngoài da sưng nóng đỏ nhiều, nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị.

Theo VietnamDaily
back to top