Điếc do tắc vòi nhĩ

Vòi nhĩ là cơ quan nối vòm mũi họng và tai. Khi bị viêm tắc vòi nhĩ rất dễ gây ra ù tai, nghe kém, ở  giai đoạn xơ dính điếc rất khó hồi phục.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/diec-do-tac-voi-nhi1.jpg

Ảnh minh họa.

Vòi nhĩ là cơ quan có chức năng đảm bảo cân bằng khí áp trong – ngoài màng nhĩ, dẫn lưu tiết dịch từ tai giữa ra tai ngoài, ngăn vi khuẩn từ mũi lên tai, duy trì hệ thống truyền dẫn âm thanh.

Khi bị viêm mũi, viêm họng, viêm xoang… niêm mạc mũi họng sẽ sưng phù nề, niêm mạc gần cửa vòi nhĩ cũng bị sưng viêm nghiêm trọng. Nếu bệnh nặng sẽ làm cả chiều dài vòi nhĩ bị viêm tắc, tình trạng viêm này sẽ tiến sâu vào tai giữa khi không điều trị kịp thời.

Tắc vòi nhĩ xảy ra ở hòm nhĩ, phía họng hoặc ở eo vòi. Lúc đầu là hiện tượng tắc vòi đơn thuần (có thể từ tắc một phần tiến tới tắc hoàn toàn), áp lực khí ở hòm nhĩ sẽ giảm sút màng nhĩ bị kéo lõm vào trong và sẽ nhanh chóng xảy ra tiết dịch nước, nhầy, cuối cùng là giảm áp lực thường xuyên, có thể dẫn tới quá trình dính, xẹp hòm nhĩ.

Giai đoạn tắc vòi đơn thuần: Điếc dẫn truyền đơn thuần nhất thời. Khi vòi nhĩ thông trở lại thì thính giác trở về bình thường.

Giai đoạn có tiết dịch là sự kéo dài của giai đoạn trước: Áp lực tâm và dịch tiết ở hòm nhĩ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các cửa sổ hoặc do các hiện tượng vận mạch phản xạ của tai trong nên điếc nhiều khi biểu hiện tính chất hỗn hợp. Điều trị nguyên nhân và đặt ống thông hơi hòm nhĩ thường dẫn tới kết quả phục hồi nguyên trạng dù đã có biểu hiện sự tham gia của tai trong.

Giai đoạn xơ dính: Chất dịch nhầy quánh lại, biến thành xơ dính, hòm nhĩ xẹp. Điếc thường có tính chất hỗn hợp, rất khó hồi phục.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh

(nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư)

Theo Đời sống
back to top