TS.BS Ngô Chí Hiếu, khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết rối loạn nhịp tim là một nhóm bệnh lý tim mạch nguy hiểm, với biểu hiện hay gặp là tim đập không đều, quá nhanh trên 100 lần/phút hoặc quá chậm dưới 60 lần/phút, lúc nhanh lúc chậm, hoặc bỏ nhịp.
Dấu hiệu của rối loạn nhịp, thường bị "ngó lơ". Ảnh minh họa |
Tất cả các vấn đề về rối loạn nhịp tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, đối với những trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim ngừng đập sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào.
Triệu chứng nào mách bảo rằng bạn đang bị rối loạn nhịp tim?
Triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rất đa dạng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện nào hoặc các biểu hiện khá mơ hồ.
Ngất xỉu
Là triệu chứng nặng nhất của rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng người bệnh. Triệu chứng này cảnh báo bệnh tim nặng và đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng như ngất xỉu khi đang lái xe, leo cầu thang. Nếu bệnh nhân bỗng nhiên bị ngất thì cần phải tìm rõ nguyên nhân để xử trí điều trị bệnh sớm.
Khó thở
Khó thở là cảm giác khó lấy không khí, choáng váng, chóng mặt kể cả khi không hoạt động. Khó thở có thể xảy ra do các bệnh lý hô hấp (cơn hen phế quản) hoặc do các bệnh lý tim mạch. Khó thở do nguyên nhân tim mạch thường đi kèm các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực. Nếu xuất hiện triệu chứng này, cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.
Hồi hộp, đánh trống ngực
Hồi hộp đánh trống ngực có thể xảy ra khi bạn lo lắng, lao động quá sức. Đa phần cảm giác này sẽ qua đi khi bạn nghỉ ngơi, tuy nhiên nếu hồi hộp đánh trống ngực xảy ra đột ngột hoặc không thuyên giảm ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi, thì có thể là cảnh báo vấn đề sức khỏe liên quan các bệnh lý tim mạch. Đây cũng là triệu chứng ban đầu, phổ biến nhất cảnh báo rối loạn nhịp tim.
Đau tức ngực
Đau tức ngực là cảm giác đau tức, chèn ép ở vùng ngực. Hầu hết mọi người từng gặp cơn đau tức ngực ít nhất một lần trong đời, có thể đau thoáng qua hoặc dữ dội khiến cơ thể khó thở, mệt mỏi. Tùy theo thể trạng từng người, đau tức ngực có thể trong vài phút hoặc vài giờ, có thể đau lan đến vùng cổ, hàm hoặc cánh tay.
Đau tức ngực là biểu hiện của nhiều bệnh lý. Riêng đối với tim mạch, đau tức ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nhồi máu cơ tim và các bệnh lý rối loạn nhịp tim. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Chóng mặt
Chóng mặt là cảm giác rối loạn, mất thăng bằng. Chóng mặt thường xuất hiện trong các bệnh lý về tai mũi họng, thần kinh tuy nhiên có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh lý rối loạn nhịp tim.
Trường hợp người bệnh bị rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền máu khiến cho máu không lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể, do đó gây nên hiện tượng chóng mặt, ngất.
Biến chứng nguy hiểm của rối loạn nhịp tim
Có một số bệnh loạn nhịp tim nhẹ thường không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên, các rối loạn nhịp khác, đặc biệt là những loại gây ra triệu chứng như đã mô tả trước đó, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:
Đột quỵ: Người mắc bệnh rối loạn nhịp tim có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 5 lần so với người khỏe mạnh. Điều này xuất phát từ việc khi bạn bị rối loạn nhịp tim, máu không được tuần hoàn đủ mạnh đến các phần trên cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể di chuyển đến não, tắc nghẽn các mạch máu và gây ra đột quỵ.
Hạn chế khả năng vận động và hoạt động hàng ngày: Để có thể thực hiện các hoạt động thường ngày, cơ thể cần máu giàu oxy liên tục. Tuy nhiên, khi bạn mắc bệnh rối loạn nhịp tim, tim không thể bơm đủ máu đến các phần khác của cơ thể, gây ra tình trạng mệt mỏi và yếu đuối liên tục.
Suy tim: Tim chịu trách nhiệm bơm máu đến các phần khác của cơ thể để duy trì hoạt động sống. Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim có thể gây cản trở tim bơm máu đến nơi cần thiết một cách hiệu quả. Điều này làm cho tim phải làm việc nặng hơn và dần trở nên suy yếu. Điều này khiến cho tim không thể hoạt động bình thường và dẫn đến tình trạng suy tim.
Đột tử: Một số dạng bệnh loạn nhịp tim có thể gây ra mối nguy hiểm tiềm ẩn, không có triệu chứng hoặc triệu chứng thoáng qua không rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân trải qua cơn rối loạn nhịp tim nặng, có thể gây ra đột tử. Một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người trẻ tuổi là rối loạn nhịp tim nặng, có khả năng rối loạn nhịp tim nặng là do đột biến gen gây ra.
Phòng tránh rối loạn nhịp tim
Trước hết, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh loạn nhịp tim, hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và kiểm tra.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho những người đang mắc bệnh và người mong muốn phòng ngừa rối loạn nhịp tim:
Chế độ ăn uống lành mạnh cho sức khỏe tim mạch: Hãy tập trung vào khẩu phần ăn chứa nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau cải, củ quả và loại thịt gia cầm không da, đậu và các sản phẩm thực phẩm không chứa nhiều chất béo. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol, chẳng hạn như lòng đỏ trứng và thịt đỏ. Cố gắng giảm lượng muối và đường trong chế độ ăn uống.
Luyện tập đều đặn hàng ngày: Hãy tìm một hoạt động thể thao bạn yêu thích và tập luyện thường xuyên, ít nhất là 30 - 45 phút mỗi ngày và duy trì một lịch trình luyện tập đều đặn.
Thay đổi lối sống hàng ngày: Hãy dừng hút thuốc và tránh môi trường có khói thuốc.
Duy trì trọng lượng cơ thể, và nếu bạn có thừa cân hoặc béo phì, hãy tập trung vào việc giảm cân, điều này có thể giúp kiểm soát cholesterol và huyết áp.
Khi bạn cảm thấy nhịp tim tăng nhanh hoặc có triệu chứng khó chịu như đau ngực hoặc chói mắt, hãy ngồi nghỉ ngay lập tức, tìm kiếm sự hỗ trợ, và đừng quên tới gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm tra và tư vấn, đặc biệt khi triệu chứng trở nên khó chịu và xảy ra nhiều lần.
Học các phương pháp kiểm soát hơi thở và nhịp tim, ví dụ như hít sâu và thở chậm, để giúp ổn định lại nhịp tim.