Loại dầu ăn tốt cho người bị cholesterol cao, bảo vệ sức khỏe tim mạch

Một số loại dầu thực vật khi dùng một lượng vừa đủ trong các bữa ăn hàng ngày đã được chứng minh có lợi cho tim mạch, giảm cholesterol "xấu" (cholesterol LDL) và tăng cholesterol lành mạnh (cholesterol HDL), ngừa bệnh tim và các biến chứng nguy hiểm khác.

Cholesterol là một loại chất béo trong máu được cơ thể sản xuất tự nhiên. Cơ thể chúng ta cần một số cholesterol để hoạt động bình thường. Nhưng khi có mức cholesterol cao trong máu sẽ đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, các mảng bám sẽ tích tụ trong thành động mạch, khiến động mạch trở nên hẹp hơn, máu khó lưu thông và lâu dần có thể gây đau tim hoặc đột quỵ.

Theo các chuyên gia tim mạch, phần lớn bệnh nhân có cholesterol máu cao do nguyên nhân từ chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh khiến cholesterol tích tụ trong máu và gây ảnh hưởng đến tim mạch.

Để giảm mức cholesterol cao, một trong những biện pháp đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, dầu thực vật... để hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Tiêu thụ những thực phẩm này thúc đẩy mức cholesterol cao, nhất là cholesterol xấu.

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu, thúc đẩy các mảng xơ vữa mạch vành và tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim. Do đó, chúng ta cần hạn chế tối đa ăn chất béo bão hòa và không ăn các thức ăn có chứa chất béo chuyển hóa.

Nên ăn các loại chất béo không bão hòa là những loại chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể, giúp cải thiện mức cholesterol trong máu, có lợi cho hệ tim mạch. Nguồn chất béo lành mạnh có trong các loại dầu như: dầu đậu nành, dầu hướng hướng dương, dầu đậu phộng, dầu ô liu; các loại hạt, quả óc chó, quả bơ...

Dầu lạc (Dầu đậu phộng)

‏Dầu lạc chứa nhiều vitamin E, hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do có hại và các bệnh mãn tính. Vitamin E giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, chống lại vi khuẩn và virus. Loại dầu này chứa nhiều chất béo không bão hoà, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Dầu mè

‏Dầu mè giàu chất chống oxy hoá, giảm tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra và có đặc tính chống viêm mạnh, cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Loại dầu này rất giàu axit béo omega-6 - chất béo không bão hoà đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim.

‏‏Dầu mè còn được chứng minh làm chậm sự phát triển của mảng bám trong động mạch, giảm mức cholesterol "xấu" khi sử dụng thay thế các loại dầu khác. Loại dầu này có khả năng giúp giảm tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Dầu mè có thể hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, đặc biệt là với người mắc bệnh tiểu đường nhờ lượng magie, vitamin E.‏

‏Dầu bơ

‏Trong tất cả các loại dầu, dầu bơ có nồng độ chất béo không bão hòa đơn cao nhất, giàu omega-3 và các chất chống oxy hóa, mang lại lợi ích chống viêm và tốt cho sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy dầu bơ có khả năng giảm huyết áp và mức cholesterol "xấu" trong máu.

‏‏Ngoài ra, dầu bơ còn có các chất chống oxy hóa lành mạnh như lutein mà cơ thể không thể tạo ra một cách tự nhiên, giúp tăng cường sức khỏe của mắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác. Loại dầu này còn là nguồn cung cấp vitamin A và E dồi dào, thúc đẩy quá trình lành vết thương và cải thiện làn da. ‏

‏Điểm bốc khói của dầu bơ cao nên có thể nấu thức ăn ở nhiệt độ cao mà không ảnh hưởng đến hương vị, hoặc dùng để trộn salad, làm nước sốt.

Dầu hướng dương

‏Dầu hướng dương được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đưa vào danh sách những loại dầu ăn tốt cho tim mạch. Loại dầu này chứa nhiều chất béo không bão hoà như axit oleic, có tác dụng làm giảm mức cholesterol LDL có hại và chất béo trung tính. ‏

‏Theo Express, một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất béo không bão hoà đơn như axit oleic giúp giảm mức cholesterol cao, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Dầu hướng dương cũng là nguồn cung cấp vitamin E tuyệt vời, mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như chống oxy hoá, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện bệnh Alzheimer.

Dầu đậu nành

Một loại dầu đa năng có điểm khói cao, dầu đậu nành có hương vị trung tính và có thể dùng cho mọi cách chế biến, từ nước sốt trộn salad đến chiên ngập dầu.

Những người bị dị ứng với đậu nành nên cẩn thận với các loại dầu đậu nành ép lạnh. Tuy nhiên, trong dầu đậu nành tinh chế cao, các chất gây dị ứng protein đã được loại bỏ và nghiên cứu cho thấy nó không gây ra phản ứng dị ứng.

Theo Đời sống
Ai nên hạn chế uống bia?

Ai nên hạn chế uống bia?

Bia là một thức uống yêu thích và cũng có lợi cho sức khỏe con người. Uống bia với lượng vừa phải có thể tạo tính kháng viêm, giảm nguy cơ bệnh tim mạch vành. Vậy ai nên hạn chế uống bia, để tránh gây hại sức khỏe?
back to top