Theo TS Ngô Đức Sơn, Viện Quản lý Môi trường, phần lớn các bãi rác của Việt Nam sử dụng công nghệ chôn lấp để xử lý rác thải sinh hoạt. Trong khi các nước trên thế giới thường sử dụng công nghệ đốt tầng sôi hoặc đốt thông thường trực tiếp để xử lý rác thải sinh hoạt (đặc biệt là rác thải rắn). Bên cạnh đó, hố chôn cũng được đảm bảo ngăn cách để các chất độc hại từ rác không ngấm vào đất, nước. Nhưng muốn sử dụng được công nghệ đốt rác thì khâu đầu tiên, người dân cần phân loại rác thải ngay từ gia đình. Có như vậy thì những chất thải rắn mới được đưa vào lò đốt xử lý hiệu quả.
Việt Nam chưa phân loại rác tại nguồn nên khó có thể áp dụng công nghệ đốt, hoặc nếu có thực hiện cũng sẽ rất khó khăn bởi phải mất thêm khâu phân loại rác khi thu gom về nhà máy. Công nghệ xử lý rác thải hiện có của cả nước phần lớn chưa thật sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại và thường ở quy mô nhỏ. Công nghệ xử lý không đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý, xử lý sơ bộ bước đầu, chưa giải quyết triệt để.
Được biết, Hà Nội chuẩn bị khánh thành Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đưa tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 5%. Khí thải từ các nhà máy này đảm bảo hoàn toàn không độc hại, được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học & Công nghệ kiểm định. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75MW điện mỗi giờ. Đây là ự án hứa hẹn sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề nhức nhối ở bãi rác Nam Sơn hiện nay. Đốt được sẽ hạn chế đáng kể lượng rác phải chôn lấp, tiết kiệm được quỹ đất và loại bỏ các tác động đến môi trường và cuộc sống người dân.