Một dự án xã hội hóa
Tháng 1/2010, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản điều chỉnh công nghệ và thực hiện xã hội hóa đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh. Tới tháng 6/2010, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận địa điểm cho Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Thương mại Thành Quang (nay là Công ty CP Đầu tư Thành Quang) nghiên cứu và thực hiện dự án đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Dự án được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 11/2011, sau đó UBND TP chấp thuận điều chỉnh 03 lần vào các năm 2013, 2015, 2016.
Dự án này sử dụng khoảng 8,74ha đất, công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 768,438 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 158,985 tỷ đồng (chiếm 20,69% tổng mức đầu tư, vốn vay thương mại 606,453 tỷ đồng, chiếm 79,31%).
Tháng 11/2011 UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi đất tại xã Việt Hùng và giao Công ty CP Đầu tư Thành Quang thực hiện dự án, thời hạn thuê đất là 49 năm kể từ ngày 11/11/2011. Hợp đồng thuê đất số 203/HĐTĐ được ký kết ngày 13/9/2012 giữa Sở TNMT với Công ty CP đầu tư Thành Quang. Đáng chú ý, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất thực hiện dự án.
Dù dự kiến tiến độ xây dựng cơ bản dự án được tiến hành từ tháng 12/2011 - 3/2017, tiến độ đưa công trình vào hoạt động dự kiến vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, thực tế đến nay dự án này đã chậm tiến độ quá 24 tháng.
Cụ thể, đến thời điểm tháng 11/2019, toàn bộ khu đất dự án đã được san nền, xây dựng tường bao quanh, phía mặt đường Nam Hà xây dựng 02 cổng dự án. Phần hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng cho dây chuyền xử lý 500 tấn rác thải/ngày, trên khoảng 1/2 diện tích đất thuộc dự án đã được xây dựng cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, phần máy móc, thiết bị đã lắp đặt ước chỉ khoảng 80%. Bao gồm hệ thống sơ tuyển rác, phân loại rác thô và sơ chế kim loại; hệ thống ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma, hệ thống xử lý khói thải; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thu gom và xử lý mùi; hệ thống điều khiển... Theo báo cáo của nhà đầu tư, tổng giá trị các hạng mục, công trình và dây chuyền công nghệ đã thực hiện và lắp đặt ước tính khoảng 601,638 tỷ đồng/768,438 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự án (đạt 78,3%).
Ngoài việc chậm tiến độ, dự án còn giãn tiến độ thực hiện, giãn tiến độ đầu tư nhưng nhà đầu tư không đề xuất bằng văn bản với cơ quan chức năng, không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định.
Mặt khác, trên phần diện tích đất thuộc các hạng mục Khu gạch Block, kho nguyên vật liệu, nhà điều hành, hệ thống kho nguyên liệu hiện đã xây dựng khu Nhà xưởng cấp 4 có tổng diện tích khoảng 4.000m2. Nhưng là xây dựng không đúng theo Giấy phép xây dựng, văn bản và bản vẽ chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng dự án.
Theo văn bản ngày 08/11/2019 của UBND huyện Đông Anh, thì Công ty Thành Quang đã tổ chức thi công xây dựng một số hạng mục không đúng so với nội dung Giấy phép xây dựng. Cụ thể tại góc phía Đông của khu đất hiện tồn tại một khu nhà xưởng tạm với kết cấu khung thép mái tôn, diện tích khoảng 3.900m2.
Trong các năm 2016 đến 2019 UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng đối với dự án và đã ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (năm 2016, 2017) và ban hành văn bản giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn xử lý vi phạm (năm 2019) đối với nhà đầu tư, áp dụng hình thức xử phạt nội tiền vào ngân sách với số tiền nộp phạt mỗi lần là 40 triệu đồng, đồng thời tháo dỡ phần công trình sai phép.
Tuy Công ty CP Đầu tư Thành Quang đã chấp hành nộp phạt, nhưng lại chưa tháo dỡ công trình vi phạm.
Ảnh minh họa. |
Dấu hỏi năng lực tài chính
Tìm hiểu thông tin cho thấy, thực sự Công ty CP Đầu tư Thành Quang có khó khăn về tài chính, việc huy động vốn tín dụng chậm so với kế hoạch và tỷ lệ vốn tín dụng huy động được không đạt so với tỷ lệ vốn khi lập dự án.
Cụ thể, sau khi có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Đông Hà Nội. Quá trình thẩm duyệt phát sinh thủ tục và đến tháng 12/2016, nhà đầu tư mới ký được hợp đồng tín dụng, vay vốn từ BIDV cho giai đoạn nâng cấp, mở rộng, với mức tài trợ 65% tổng mức đầu tư.
Mặt khác, năm 2016, tại thời điểm nhà đầu tư lập hồ sơ trình UBND TP Hà Nội xem xét và đã được UBND TP ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án, Báo cáo tài chính năm 2015 của nhà đầu tư thể hiện vốn chủ sở hữu là 200 tỷ đồng. Tức là đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Tuy nhiên theo báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư Thành Quang các năm 2017, 2018 cho thấy, vốn chủ sở hữu của công ty trong các năm này chỉ lần lượt là 122,757 tỷ đồng và 113,978 tỷ đồng. Tức là chưa đạt mức yêu cầu (không thấp hơn 20%) so với tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 19/9/2016 của UBND TP Hà Nội. Không những thế, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lần lượt là âm 87,243 tỷ đồng và 107,521 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 10/07/2018, công ty đã nâng vốn điều lệ lên thành 250 tỷ đồng, tuy nhiên đây chỉ là vốn điều lệ theo đăng ký.
Công ty CP Đầu tư Thành Quang có trụ sở tại phố Láng Hạ, phường Thành Công, Ba Đình, TP Hà Nội. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Thanh Quang (SN 1971) làm Tổng giám đốc. Ông Quang còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Thành Quang.
Số liệu cho thấy giữa Công ty CP Đầu tư Thành Quang và Công ty CP Môi trường đô thị Thành Quang có quan hệ mẹ - con bởi, Công ty CP đầu tư Thành Quang nắm giữ 54,67% cổ phần tại Công ty CP Môi trường đô thị Thành Quang (17/08/2017).
Được biết, ngoài dự án Khu xử lý rác Đông Anh Công ty CP Đầu tư Thành Quang đã và đang thực hiện dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình, tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội.