GS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, một số loại côn trùng như châu chấu, dế, bọ xít, ong, mối, nhộng ve sầu… gần đây được làm thực phẩm khá phổ biến. Đa phần phần nguyên nhân gây ngộ độc côn trùng không phải do bản thân côn trùng mà do các yếu tố khác như ăn côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến.
Để an toàn khi sử dụng côn trùng làm thực phẩm, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên. Nếu muốn ăn thì nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống. Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn.
Người tiêu dùng cũng cần phải biết cách sơ chế để loại bỏ chất độc hại trong côn trùng. Một số cách sơ chế giảm độc cho côn trùng là ngâm nước vôi trong để kích thích côn trùng tiết tất cả các chất trong đường tiêu hóa ra ngoài. Hoặc ngâm côn trùng trong nước muối loãng (làm sao để côn trùng không chết ngay) khoảng 15-30 phút trước khi sơ chế. Khi sơ chế chú ý bỏ hết những phụ phẩm của nó. Không nên ăn sống, ăn tái.
Ngoài ra, côn trùng có chứa một số protein lạ, vì vậy những người cơ địa không hợp với một chất nào trong côn trùng cũng dễ bị dị ứng. Không ăn nhộng tằm bị ngâm hóa chất. Để nhộng căng, đẹp mắt, có người ngâm chúng trong natri sunfit. Nếu hàm lượng chất này trên 30 mg/kg rất dễ gây ngộ độc.