- Gần ¼ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi
- Uống nhiều sữa có phải là “chìa khóa” giúp trẻ em tăng chiều cao?
- Thêm tác hại khi trẻ em xem tivi và chơi điện tử nhiều
Trẻ cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
Năng lượng theo lứa tuổi
So với người trưởng thành, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ rất lớn do tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh, trẻ càng nhỏ nhu cầu càng cao, đặc biệt trong những năm đầu đời, trẻ ở lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
Năng lượng hằng ngày của trẻ tùy theo tuổi, giới tính và hoạt động thể lực. Nhu cầu năng lượng khuyến nghị trung bình như sau:
Trẻ trai (Kcalo/ngày): Trẻ ≤ 5 tháng là 550, từ 6 – 8 tháng là 650, từ 9 – 11 tháng là 700, từ 1 – 2 tuổi là 1.000, từ 3 – 5 tuổi là 1.320, từ 6 – 7 tuổi là 1.570, từ 8 – 9 tuổi là 1.820, từ 10 – 11 tuổi là 2.150, từ 12 – 14 tuổi là 2.500, từ 15 – 19 tuổi là 2.820.
Trẻ gái (Kcalo/ngày): Trẻ ≤ 5 tháng là 500, từ 6 – 8 tháng là 600, từ 9 – 11 tháng là 650, từ 1 – 2 tuổi là 930, từ 3 – 5 tuổi là 1.230, từ 6 – 7 tuổi là 1.460, từ 8 – 9 tuổi là 1.730, từ 10 – 11 tuổi là 1.980, từ 12 – 14 tuổi là 2.310, từ 15 – 19 tuổi là 2.380.
Chất đạm – thành phần chính của kháng thể
Protein có vai trò hết sức quan trọng, là nguyên vật liệu xây dựng nên cấu trúc và tái tạo các tổ chức trong cơ thể, là thành phần chính của kháng thể, các men và nội tiết tố, nó đóng vai trò hình thành và phát triển hệ thần kinh, phát triển trí tuệ và tầm vóc.
Năng lượng do protein cung cấp chiếm khoảng 18% năng lượng tổng số. Trẻ nhỏ nhu cầu protein và tỷ lệ protein động vật trên protein tổng số cao hơn trẻ lớn. Nhu cầu protein hằng ngày của trẻ như sau:
Trẻ trai (g/ngày): Từ 1 – 2 tuổi là 20, từ 3 – 5 tuổi là 25, từ 6 – 7 tuổi là 33, từ 8 – 9 tuổi là 40, từ 10 – 11 tuổi là 50, từ 12 – 14 tuổi là 65, từ 15 – 19 tuổi là 74.
Trẻ gái (g/ngày): Từ 1 – 2 tuổi là 19, từ 3 – 5 tuổi là 25, từ 6 – 7 tuổi là 32, từ 8 – 9 tuổi là 40, từ 10 – 11 tuổi là 48, từ 12 – 14 tuổi là 60, từ 15 – 19 tuổi là 63.
Chất béo, vitamin và muối khoáng
Năng lượng từ chất béo cung cấp so với năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày với trẻ từ 6 tháng – 2 tuổi chiếm từ 30 – 40%, trẻ từ 3 – 5 tuổi chiếm 25 – 35%, trẻ từ 6 – 19 tuổi chiếm 20 – 30%. Nên chú trọng các vitamin và muối khoáng.
Các loại vitamin như vitamin A, B1, B2, PP, C và các loại muối khoáng như Fe, P, Zn rất cần cho trẻ. Để cung cấp đủ vitamin và muối khoáng cần phải cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm trong ngày cũng như trong từng bữa ăn.
Với mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao, thậm chí còn cao hơn thân nhiệt của cơ thể (> 370C) làm cho trẻ mất nước, mệt mỏi ăn uống kém. Vì vậy, cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng và chế biến thức ăn sao cho dễ tiêu.
Ngoài bữa ăn của trẻ, các bà mẹ cần chú ý đến nhu cầu nước của trẻ vì mùa hè nhu cầu nước sẽ cao hơn các mùa khác.
Khi cho trẻ uống nước, không nên cho uống nước mát để trong tủ lạnh, nước đá dễ bị viêm họng. Trong khi ngủ trẻ hay ra mồ hôi nên cần lau khô bằng khăn mềm để chống nhiễm lạnh.
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến
Viện Dinh dưỡng Quốc gia