Hỏi: Tôi thấy có nhiều tài khoản facebook rao bán, trao đổi động vật hoang dã, xin hỏi như vậy có phạm luật không?
Vũ Bảo Trâm (Hà Nội)
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV: Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) ở bất kỳ hình thức nào cũng phạm luật, kể cả trên mạng internet. Tháng 5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện và tịch thu 12 cá thể chim săn mồi tại nhà của một đối tượng sau khi đối tượng này rao bán các cá thể chim trên mạng xã hội Facebook. Cũng trong tháng 5/2020, từ thông tin ENV cung cấp, Facebook đã gỡ bỏ hoàn toàn 277 bài viết quảng cáo buôn bán ĐVHD trên nhóm “Hội Anh Em Ba Miền” ở Việt Nam, và cảnh báo sẽ vô hiệu hóa nhóm này nếu tiếp tục ghi nhận các bài viết vi phạm. Đây là một nhóm Facebook đã hoạt động từ rất lâu, thường xuyên có các thành viên rao bán ĐVHD hay các sản phẩm từ ĐVHD như ngà voi, da hổ, vảy tê tê, móng gấu...
Trong những năm gần đây, các vi phạm về ĐVHD trên internet đang gia tăng một cách đáng báo động. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính của internet và đặc biệt là các mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm ĐVHD trên internet. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người dân sẵn sàng hỗ trợ giám sát và thông báo các vi phạm về ĐVHD trên internet. Trong vụ việc ngày 5/5/2020 tại Đà Nẵng, cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt đối tượng 11,250 triệu đồng vì nuôi nhốt và quảng cáo bán trái phép 12 cá thể chim săn mồi.
Được biết, hoạt động mua bán chim săn mồi trên Internet tại Việt Nam cũng đang phát triển khá nhanh, đặc biệt trong các hội nhóm trao đổi - huấn luyện chim săn mồi. Tuy nhiên, hầu hết các loài chim săn mồi đều nằm trong Phụ lục II CITES, phải có giấy phép nhập khẩu cấp bởi Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES (trong trường hợp nhập khẩu) hoặc các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trong trường hợp mua, bán trong nước).