Buôn bán động vật hoang dã là nguyên nhân lây truyền dịch bệnh
Theo thư ngỏ, tương tự như đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 từng cướp đi sinh mạng của 5 người Việt Nam, chủng virus corona mới này cũng được cho là lây từ động vật hoang dã sang người, cụ thể là tại ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Không riêng SARS hay Covid-19, nhiều đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy mối liên hệ rõ giữa dịch bệnh với các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã. Dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia và khiến 774 người tử vong vốn xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata). Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát vào năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người cũng bắt nguồn từ một chủng virus corona khác truyền qua lạc đà tới con người.
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác cũng gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng và được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi. Tính đến cuối năm 2019, toàn bộ 63 tỉnh, thành Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ dịch ASF với hơn 5 triệu con lợn bị tiêu hủy.
Bài học từ dịch SARS và nay là Covid-19 rất rõ ràng: Các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Ngăn tận gốc các ổ dịch phát sinh trong tương lai
Để đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng cũng như vì mục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, 10 tổ chức bảo tồn đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam. Cụ thể: Cần xác định và đóng cửa các chợ và các địa điểm có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Những cơ sở này rõ ràng đang vi phạm nhiều quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán trái phép các sản phẩm thịt hoang dã.
Cần ban hành các quy định bắt buộc với tất cả các nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại. Cải cách thủ tục tư pháp để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân Việt Nam về những rủi ro của việc tiêu thụ động vật hoang dã đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng. Đảm bảo hợp tác liên bộ ngành khi thực hiện các điểm trên.
Trước đó, thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 6/2/2020, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã ban hành văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh, thành kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn virus corona lây lan. Nhóm các tổ chức ủng hộ nỗ lực này của Tổng cục Lâm nghiệp, đồng thời khuyến nghị Chính phủ nên có những hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa để loại bỏ các ổ dịch virus trong tương lai.
Bảo Khánh