Theo các bác sĩ, mùa hè là mùa rất nhiều loại côn trùng có ngòi như ong, kiến sinh sôi phát triển. Nọc độc của chúng có thể gây phản ứng độc cục bộ cho cơ thể, dị ứng ở những người nhạy cảm.
Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào liều nọc độc và mức độ nhạy cảm trước đây của người bệnh. Người có nồng độ IgE cao có nguy cơ bị sốc phản vệ khi kiến đốt, nhất là trẻ em. IgE là kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra trong quá trình phản ứng dị ứng.
Ảnh minh họa |
Cách xử lý đúng cách khi bị kiến lửa đốt
Một vấn đề cần lưu ý là những loài kiến, đặc biệt là kiến lửa có hàm răng dưới có khả năng bám chặt nên nếu chỉ giũ thì kiến vẫn chưa chắc rơi khỏi cơ thể. Trong trường hợp nếu quần áo có nhiều kiến lửa bám thì tốt nhất nên thay một bộ đồ khác ngay. Sau đó, có thể làm theo những bước sau để xử lý vết kiến cắn:
Đầu tiên hãy rửa vết kiến cắn bằng nước xà phòng thật nhẹ nhàng để vệ sinh và loại bỏ bụi bẩn. Tiếp đến, hãy quan sát những triệu chứng sau khi bị kiến lửa đốt. Nếu trên da có dấu hiệu bị sưng, đau thường sẽ hết sau vài giờ. Tuy nhiên nếu đi kèm theo triệu chứng nổi mề đay, ngứa ở vùng da khác ngoài chỗ kiến cắn, cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, thắt ngực khó thở, sưng họng, chóng mặt… thì điều này chứng tỏ đã bị dị ứng do kiến lửa đốt.
Khi thấy cơ thể có những phản ứng dị ứng, có thể điều trị bằng thuốc epinephrine, kháng histamine hoặc steroid tại bệnh viện để các triệu chứng ổn định hơn.
Trong trường hợp nếu trên da xuất hiện những vết phồng rộp sau khoảng 1 ngày bị kiến lửa đốt và tạo thành mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức. Lúc này bạn cần phải lưu ý không nên làm vỡ mụn mủ này để tránh gây nguy cơ bị nhiễm trùng. Nếu chẳng may vết phồng rộp này bị vỡ ra thì hãy rửa sạch bằng nước xà phòng kháng khuẩn. Sau đó, theo dõi xem có dấu hiệu bị nhiễm trùng không, nếu thấy vùng da xuất hiện mủ và bị chuyển màu thì bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
Cách trị kiến cắn đơn giản và an toàn tại nhà
Đá viên: Đây là cách trị kiến cắn đơn giản và hiệu quả nhất. Khi bị kiến cắn bạn có thể dùng 1 viên đá nhỏ lăn ngay vào vết cắn sẽ giúp da không bị sưng lên do chất histamine có trong nọc kiến. Đồng thời, cũng sẽ giúp bạn có cảm giác lạnh buốt và nhanh chóng khiến não bộ quên đi cảm giác ngứa ngáy trước đó.
Dấm trắng: Đây là một chất chống vi khuẩn một cách tự nhiên nhất. Chỉ cần dùng một ít dấm ăn thoa lên vết cắn, dấm sẽ giúp sát trùng và giúp đánh bay cơn ngứa do kiến cắn ngay tức thì.
Kem đánh răng: Đây cũng là một trong những cách trị kiến cắn an toàn mà bạn có thể áp dụng. Trong thành phần của kem đánh răng thường có chứa bạc hà giúp làm mát da. Chỉ cần thoa một ít kem đánh răng lên nốt kiến cắn cũng giúp đóng băng chất histamine gây ngứa, cũng như làm dịu đi vùng da vừa bị cắn tránh không bị sưng lên.
Aspirin: Thuốc aspirin dạng viên thường được sử dụng phổ biến như một chất chống viêm hiệu quả cho các vết kiến cắn hay côn trùng cắn. Nếu chẳng may bị kiến lửa hoặc kiến càng cắn gây vết thương nghiêm trọng, có thể nghiền nát một viên thuốc aspirin thành bột, sau đó hòa chung với một ít nước và thoa lên vết bị cắn, để như vậy qua đêm. Cách trị kiến cắn này sẽ giúp làm dịu cơn ngứa, giúp ngủ ngon, cũng như chữa lành vết kiến cắn không bị sưng đỏ.
Trà túi lọc: Trà túi lọc cũng chứa chất chống viêm và giúp làm dịu làn da. Khi bị kiến cắn, có thể sử dụng một bịch trà túi lọc được làm lạnh để đắp lên vết cắn. Cách trị kiến cắn này không chỉ giúp đánh tan cơn ngứa ngáy nóng như lửa đốt của vết kiến cắn ngay tức thì mà còn giúp dưỡng ẩm da hiệu quả. Cách này còn có hiệu quả ngay cả những làn da nhạy cảm nhất mà không gây đau rát gì.
Muối: Với những người giỏi chịu cảm giác xót, thì có thể sử dụng muối biển để giảm ngứa nhanh nhất. Cách này khá đơn giản, chỉ cần hòa tan muối biển với nước ấm và thoa ngay lên da chỗ bị kiến cắn, tuy ban đầu bạn sẽ hơi rát nhưng chỗ bị cắn sẽ được sát trùng một cách triệt để nhất, cơn ngứa và sưng cũng không còn.