Hà Nội: Hàng loạt công trình “mọc” trên đất nông nghiệp ở Tây Tựu?

Địa bàn phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện nhiều công trình được cho là xây dựng trên đất nông nghiệp để ở và kinh doanh. 

Một số công trình ở khu vực này xây vươn cao lên 2 tầng, đưa vào sử dụng, dùng bạt đen nhằm "che mắt" bên ngoài.

Nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông “mọc” lên kiên cố trên đất nông nghiệp ở phường Tây Tựu.

Nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông “mọc” lên kiên cố trên đất nông nghiệp ở phường Tây Tựu.

Phản ánh đến đường dây nóng của Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, người dân cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm xuất hiện tình trạng hàng loạt công trình được cho là xây dựng trên đất nông nghiệp để ở và kinh doanh, có dấu hiệu sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD).

Người dân phản ánh công trình xây trên đất nông nghiệp

Theo phản ánh, các công trình trên chủ yếu tại khu vực đường Cầu Khoát, đoạn ngõ nối với đường DT.70A cống Cầu Đìa, phố Trung Tựu, đường Phú Minh… Những công trình bị phản ánh có vi phạm, sau khi xây dựng xong, được đưa vào sử dụng, hoạt động một cách công khai.

"Lúc xây dựng, họ quây công trình vi phạm bằng tôn cao, kín xung quanh để bên ngoài không nhìn thấy. Xây xong, các công trình được đưa vào sử dụng làm nhà ở, quán cà phê như đất có sổ đỏ”, một người dân địa phương (xin giấu tên) nói.

Điều khiến người dân thắc mắc là nhiều công trình bị phản ánh sai phạm nêu trên chưa bị cơ quan chức năng tháo dỡ, xử lý triệt để theo quy định pháp luật. Cùng đó, câu hỏi được người dân nêu ra: Có hay không phường Tây Tựu lơ là, buông lỏng về công tác quản lý đất đai?

Nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông “mọc” lên kiên cố trên đất nông nghiệp ở phường Tây Tựu.

Nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông “mọc” lên kiên cố trên đất nông nghiệp ở phường Tây Tựu.

Ghi nhận của PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống đầu tháng 9/2024 cho thấy, đoạn cánh đồng khu vực đường Cầu Khoát (phường Tây Tựu), thay vì sử dụng đúng mục đích là đất nông nghiệp, nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông mọc lên kiên cố, ngang nhiên hoạt động, bất chấp quy định về sử dụng đất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy. Một vài công trình nằm sát mặt đường Cầu Khoát, quây bọc kín mít và được xây thêm nhiều công trình phụ.

Đoạn ngõ nối với đường DT.70A cũng có nhiều công trình được cho là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Một số công trình ở khu vực này xây vươn cao lên 2 tầng, đã đưa vào sử dụng nhưng dùng bạt đen nhằm "che mắt" bên ngoài. Nơi đây còn xuất hiện một điểm kinh doanh, treo biển quán “Coffe Hân”, làm thay đổi kết cấu và chức năng sử dụng đất.

Nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông “mọc” lên kiên cố trên đất nông nghiệp ở phường Tây Tựu.

Nhiều công trình cấp 4 mái tôn xập xệ, rộng cả trăm mét vuông “mọc” lên kiên cố trên đất nông nghiệp ở phường Tây Tựu.

Các khu vực ở cống Cầu Đìa, phố Trung Tựu, đường Phú Minh… cũng xuất hiện hàng loạt công trình được cho là xây dựng trên đất nông nghiệp. Một số công trình nghi vi phạm TTXD được chủ nhà lắp đặt hệ thống cửa cổng, camera an ninh giám sát chặt chẽ. Một số thửa đất nông nghiệp khác thì sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích đất.

Bao giờ kiểm tra, xử lý?

Ngày 9/8, PV đến trụ sở UBND phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) liên hệ làm việc. Sau nhiều lần trao đổi với ông Nguyễn Văn Quang (cán bộ địa chính phường), ngày 14/8, PV cùng ông Quang cùng đi ghi nhận thực tế hiện trạng các khu vực bị phản ánh. Ông Quang cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo phường sắp xếp thời gian làm việc với phóng viên, nhưng sau đó không thấy phản hồi.

Ngày 28/8, PV liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Quang Thậm - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu. Vị này nói, bị ốm, đang nghỉ phép, giao cho bà Phan Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch phường - cung cấp thông tin.

Công trình xây vươn cao lên 2 tầng, đưa vào sử dụng nhưng dùng bạt đen nhằm "che mắt" bên ngoài.

Công trình xây vươn cao lên 2 tầng, đưa vào sử dụng nhưng dùng bạt đen nhằm "che mắt" bên ngoài.

Ngày 29/8, PV đến UBND phường Tây Tựu liên hệ với bà Phan Thị Thu Giang và được nữ Phó Chủ tịch phường hẹn sắp xếp thời gian làm việc sau. Đến nay, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía bà Giang.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho rằng, Khoản 1, Điều 6 và Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 quy định rõ: Đất ở có mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở, đất trồng cây hàng năm có mục đích để trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản có mục đích để nuôi trồng thủy sản…

Trường hợp người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp và muốn xây dựng nhà ở thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố trên đất nông nghiệp mà không chuyển đổi mục đích là trái với quy định pháp luật. Về nguyên tắc, các loại đất nông nghiệp thì không được xây dựng nhà ở, công trình kiên cố.

Điểm kinh doanh, treo biển quán “Coffe Hân” được cho là xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích đất.

Điểm kinh doanh, treo biển quán “Coffe Hân” được cho là xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích đất.

Việc áp dụng xử phạt được quy định tại Điều 11, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP: “Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai”.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, những năm qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường trên địa bàn phải xử lý nghiêm trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép.

Hàng loạt công trình “mọc” trên đất nông nghiệp ở Tây Tựu.

Hàng loạt công trình “mọc” trên đất nông nghiệp ở Tây Tựu.

Đặc biệt, UBND thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong những trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Địa phương để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Đời sống
back to top