Nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột, cần cảnh giác mọi lúc mọi nơi

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong và ngoài viện với tiên lượng nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Vậy cách gì cứu?

Tình trạng cấp cứu tối khẩn xảy ra mọi lúc, mọi nơi

Mới đây, nam bệnh nhân (42 tuổi, huyện Vân Đồn) điều trị tăng huyết áp tại bệnh viện đột ngột ngừng tim. Nhờ nỗ lực hồi sức tim phổi tích cực trong suốt 45 phút và sự phối hợp điều trị tích cực của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã giúp bệnh nhân hồi phục tốt, mang lại niềm hạnh phúc cho người thân và gia đình.

Bệnh nhân là P.V.H có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid điều trị không đều, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia. Gần đây, anh H. ho nhiều, chỉ số huyết áp 170/100mmHg, phải nhập viện điều trị vì tăng huyết áp thứ phát.

Quá trình điều trị, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn, ngay lập tức các bác sĩ khoa Tim mạch khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn, nỗ lực ép tim, bóp bóng. Sau 45 phút kiên trì cấp cứu có tuần hoàn tái lập, tuy nhiên bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, thở máy, duy trì thuốc vận mạch trợ tim liều cao.

Bệnh nhân H. lập tức được chuyển khoa Hồi sức tích cực tiếp tục theo dõi điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc tim, theo dõi do rối loạn nhịp tim có biến chứng ngừng tuần hoàn.

Người bệnh được phối hợp điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực, như: thở máy, lọc máu liên tục, thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO, sử dụng thuốc vận mạch, kiểm soát huyết động, kiểm soát các rối loạn đông máu… Sau khoảng 1 tuần, bệnh nhân chuyển biến tốt hơn, có ý thức, chức năng tim phổi dần phục hồi.

Bệnh nhân ngừng tuần hoàn 45 phút được cấp cứu thành công, hồi phục vận động tốt, không di chứng - Ảnh BVCC

Bệnh nhân ngừng tuần hoàn 45 phút được cấp cứu thành công, hồi phục vận động tốt, không di chứng - Ảnh BVCC

Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, nói chuyện tiếp xúc, ăn uống bình thường, phục hồi vận động và không để lại di chứng về thần kinh. Hiện được chuyển khoa Tim mạch tiếp tục điều trị và đánh giá tiếp nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn.

Ngừng tuần hoàn là hiện tượng tim mất chức năng, không co bóp, mạch không đập, dẫn đến không thể cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, ngay sau đó gây ra các rối loạn hô hấp và ý thức. Đây là tình trạng cấp cứu tối khẩn, có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong viện và ngoài bệnh viện với tiên lượng rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí kịp thời.

Xử trí sớm đúng cách người bệnh có cơ hội sống

BSCKI Lê Quang Khương, Phó khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Trường hợp bệnh nhân H. ban đầu nhập viện điều trị vì tăng huyết áp, song diễn biến bệnh cấp tính, đột ngột ngừng tim và được cấp cứu tuần hoàn liên tục trong 45 phút. Bệnh nhân nam còn khá trẻ nên chúng tôi kiên trì cấp cứu đến cùng, may mắn là nỗ lực được đền đáp xứng đáng khi trái tim bệnh nhân hồi sinh trở lại.

Cách cấp cứu ngừng tuần hoàn đột ngột - Ảnh BVCC

Cách cấp cứu ngừng tuần hoàn đột ngột - Ảnh BVCC

Dù vậy, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng nề nên người bệnh được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực nhất. Với sự nhạy bén, kịp thời cùng quyết tâm của các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn 45 phút. Đây là minh chứng cho kỹ năng cấp cứu hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, giúp mang lại sự sống cho người bệnh và niềm hạnh phúc cho gia đình”.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột bất cứ đâu, cả trong và ngoài bệnh viện, thậm chí ngay trong phòng mổ hay khu ICU. Đây là hậu quả cuối cùng của rất nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, cấp cứu ngừng tuần hoàn có vai trò rất quan trọng đối với sinh mạng người bệnh.

Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn cho 100% cán bộ, nhân viên y tế, nhằm rèn luyện phản xạ, nâng cao năng lực xử trí trong các tình huống ngừng tim, ngừng thở bất ngờ xảy ra. Việc phát hiện sớm tình trạng ngừng tuần hoàn, cấp cứu kịp thời và xử trí sớm, đúng cách giúp người bệnh có cơ hội sống cao hơn.

Theo Đời sống
back to top