Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông bí cho biết, vào mùa hè, môi trường nóng ẩm, nhiệt độ tăng cao là điều kiện thích hợp để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Đặc biệt, việc bảo quản thực phẩm chín, đã qua chế biến không đúng cách là một trong những nguyên nhân chính gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây.
Tốt nhất nên nấu đủ lượng thực phẩm dùng cho một bữa. Nếu thực phẩm sau chế biến dư thừa thì cần bảo quản thức ăn chín đúng cách bằng tủ lạnh như sau:
Phân loại, sắp xếp thức ăn chín: Để dành riêng ngăn cho từng loại thức ăn. Các loại thịt sống, rau xanh nên để riêng với thức ăn đã nấu chín. Các cơ sở chế biến cần phân loại tủ bảo quản thực phẩm sống và tủ bảo quản thực phẩm chín riêng biệt.
Cách bảo quản thực phẩm đã chế biến tránh biến chất mùa hè |
Để thức ăn nguội trước khi cho vào tủ lạnh: Vì thức ăn còn nóng cho vào ngăn mát dễ biến chất, nhanh hỏng, đồng thời hơi nóng ngưng đọng tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Tuân thủ thời gian bảo quản với từng loại thực phẩm: Nếu thức ăn chín là rau xanh, chỉ nên để vài tiếng trước khi ăn, không nên để quá 12 giờ đồng hồ.
Các món ăn được nấu thông thường xào luộc như thịt bò, gà, lợn, khi nấu chín chỉ nên để từ 1-2 ngày. Các loại thịt muối như chân gà muối, gân bò, nem chua để được 3-5 ngày.
Các món kho nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 5 ngày. Trứng và các sản phẩm từ trứng cần sử dụng trong 2h ngay sau khi chế biến và tránh để qua đêm.
Không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng, đặc biệt vào mùa hè: Điều này có thể làm cho thực phẩm trở nên tồi tệ cả về chất lượng cũng như độ an toàn cho người sử dụng.
Bởi vì bất kỳ loại thực phẩm nào được đóng băng và khi tan băng ở nhiệt độ phòng trong khoảng thời gian hơn 2 giờ, thì lúc này thực phẩm rất dễ nhiễm vi khuẩn đồng thời nó cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập và phát triển.
Khi điều này xảy ra, thì chất lượng của thực phẩm sẽ giảm đi cùng với sự an toàn của thực phẩm cho người sử dụng sẽ giảm. Có thể sẽ gây ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm do bị nhiễm vi sinh vật.