Các bác sĩ nhi khoa bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, nhiều dị tật đường tiêu hóa đã được chẩn đoán từ trước sinh và có các chiến lược quản lý và điều trị ngay sau sinh hoặc chẩn đoán ngay sau sinh như: teo thực quản, thoát vị hoành, tắc tá tràng, tắc ruột sơ sinh, dị tật hậu môn trực tràng, thoát vị rốn (omphalocele), khe hở thành bụng (Gastroschisis)…
Những trường hợp này nên có tư vấn trước sinh cẩn thận. Trường hợp không phát hiện được trước sinh, sau sinh các bậc cha mẹ cần chú ý quan sát con để được phát hiện kịp thời.
Các bác sĩ chỉ rõ các bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em |
Các biểu hiện lâm sàng bệnh lý tiêu hóa cần chú ý ở trẻ nhỏ là:
– Nôn, trớ ra dịch sữa, dịch mật, dịch phân
– Đau bụng
– Vàng da, vàng mắt, phân bạc màu.
– Sờ thấy khối u bụng
– Táo bón, chậm ỉa phân xu.
Một số bệnh hay gặp
Hẹp phì đại môn vị: Biểu hiện thường ở trẻ 3-5 tuần tuổi, trẻ nôn sữa ăn bữa trước, mệt, sụt cân có thể sờ khối trên rốn. Khi trẻ có biểu hiện này cần khám ngay làm siêu âm chẩn đoán.
Teo đường mật: Biểu hiện trẻ vàng da, vàng mắt, phân bạc màu... Bệnh này cần khám ngay để siêu âm và chụp Cộng hưởng từ MRI chẩn đoán.
Nang ống mật chủ ở trẻ mới sinh và trẻ nhỏ bệnh thường được biểu hiện bằng vàng da hay khối u bụng, đau bụng ít gặp hơn.
Ở trẻ lớn biểu hiện hay gặp là nhiều lần đau bụng, đôi khi có thể kèm theo sốt, vàng mắt, vàng da (viêm đường mật).
Cần siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, Cộng hưởng từ chẩn đoán.
Giãn đại tràng bẩm sinh: Dấu hiệu đặc trưng là táo bón, nhiều trẻ không tự đại tiện được mà phải thụt tháo thường xuyên, bụng trướng, gầy sút, kém ăn, suy dinh dưỡng.
Ở trẻ mới sinh, bụng chướng căng, không đi phân su sau hơn 24 giờ hoặc chỉ đại tiện khi dùng ống thông đưa vào hậu môn kích thích. Cần chụp đại tràng chẩn đoán.
Hậu môn tiền đình, hậu môn tầng sinh môn: Biểu hiện trẻ vẫn đại tiện được qua lỗ rò ở tiền đình (trẻ nữ), ở tầng sinh môn. Có thể kèm viêm nhiễm tầng sinh môn.
Rò hậu môn, áp xe cạnh hậu môn: Biểu hiện khối sưng nóng đỏ ở cạnh hậu môn hoặc lỗ rò chảy dịch cạnh hậu môn.
Rò rốn tràng hoặc còn ống niệu rốn: Biểu hiện thường xuyên chảy dịch ở rốn, có thể khối áp xe vùng rốn.
Các khối u bụng: Biểu hiện đau bụng, bụng chướng có thể sờ thấy khối u bụng. Cần siêu âm và chụp cắt lớp chẩn đoán.