Mất 1 buồng trứng vì chủ quan với đau bụng
Sau 8 giờ đau quặn bụng, cô gái 24 tuổi, ở Hà Nội, mới quyết định đến một cơ sở y tế gần nhà để thăm khám. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị u buồng trứng xoắn và tư vấn nhập viện để phẫu thuật. Tuy nhiên, cô không đồng ý mổ và ra về. Sau 4 giờ, vì quá đau đớn, nữ bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để kiểm tra.
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Phụ trách khoa Phụ Sản, cho biết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt còn 95/60 mmHg. Qua siêu âm, bác sĩ xác định bệnh nhân có tình trạng u buồng trứng xoắn với triệu chứng điển hình nên chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức.
Bệnh nhân được mổ nội soi. Thông qua ống dò, ê-kíp mổ quan sát thấy buồng trứng bệnh nhân lúc này đã tím đen, xoắn ba vòng. Theo bác sĩ Tiến, tình trạng này do nghẹt mạch máu cấp cho buồng trứng và phần phụ trái quá lâu.
"Từ khi bệnh nhân xuất hiện cơn đau đến khi được phẫu thuật can thiệp là khoảng 12 giờ. Chúng tôi đã cố gắng mở xoắn hy vọng cứu được buồng trứng bệnh nhân nhưng sau khi tháo xoắn 30 phút không thấy hiện tượng buồng trứng hồng trở lại. Do đó, ê-kíp mổ quyết định buộc phải cắt buồng trứng và phần phụ trái", bác sĩ Tiến cho hay.
Buồng trứng của bệnh nhân tím đen do nghẹt mạch máu nuôi quá lâu. Ảnh: BSCC. |
Theo chuyên gia này, việc mất đi một bên buồng trứng sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bệnh nhân. Đáng tiếc hơn, bệnh nhân chưa lập gia đình, chưa có con.
Cả trẻ nhỏ và người già đều có thể bị u buồng
TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc, trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, u buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh tuy ít gặp ở các bé gái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, có cả bé mới sinh cũng bị.
U buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn). U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng: xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính.
Các chuyên gia cho biết, nếu u lành tính được phát hiện sớm hoặc ung thư có độc tính thấp, nếu phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân vẫn có thể giữ được buồng trứng và sinh sản bình thường. Nếu phát hiện trễ, khả năng cắt bỏ tử cung và buồng trứng là rất cao. Đối với ung thư độc tính cao, nguy cơ tái phát rất lớn vì khả năng sống của tế bào ung thư này rất mạnh.
Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe sinh sản của con gái. Nếu bé gái có biểu hiện đau bụng bất thường, nhất là đau lệch một bên, cần đưa bé đến bệnh viện để khám ngay. Phát hiện và điều trị sớm u nang buồng trứng xoắn sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tương lai sinh sản của bé gái.
U buồng trứng - Ảnh minh họa |
Nhận biết dấu hiệu để đến viện sớm
Các bác sĩ khoa Phụ ngoại, bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, u buồng trứng xoắn là hiện tượng khối u nang buồng trứng ở người phụ nữ bị xoắn lại, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất là những khối u nang buồng trứng có cuống dài, u nang không dính liền với những tạng lân cận, kích thước đường kính khoảng 8cm đến 10cm và có trọng lượng vừa.
Tình trạng này xảy ra khi buồng trứng ở người phụ nữ bị chùng lật, dẫn đến hiện tượng xoắn buồng trứng và gây ra sự mất đi nguồn cung cấp máu cho buồng trứng.
Bác sĩ khuyến cáo: Dấu hiệu của u buồng trứng xoắn có thể thường thấy đó là đau vùng bụng dưới một cách dữ dội. Đau kèm theo tình trạng nôn ói. Choáng váng, da niêm mạc xanh xao nhợt nhạt, vã mồ hôi, hoảng sợ.
Chướng bụng ở vị trí hạ vị, xuất hiện điểm đau khu trú vùng hố chậu ở phía có u buồng trứng xoắn. Có thể có cảm giác mắc tiểu, đi tiểu rắt, tiểu khó do u di chuyển chèn ép bàng quang, hoặc bị táo bón do u chèn ép trực tràng, cũng có thể bị phù 2 chi dưới do u chèn ép hệ tĩnh mạch.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy có hơn 65% u buồng trứng xoắn là xoắn phần phụ, gồm buồng trứng và vòi trứng. Hiện tượng này dẫn đến việc gây tổn thương cho tĩnh và động mạch, làm phù nề lan tỏa, căng vỏ bao cũng như áp lực bên trong buồng trứng.
Ngoài ra hiện tượng này còn là nguyên nhân của huyết khối động mạch, thiếu máu cũng như nhồi máu. Chính vì lý do này mà u buồng trứng xoắn cần được điều trị kịp thời để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm xảy ra.
Điều trị u buồng trứng xoắn thường là phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u, tháo xoắn và có thể bảo tồn hoặc cắt bỏ toàn bộ buồng trứng đã bị hoại tử.
Biến chứng lớn nhất của xoắn buồng trứng là hoại tử buồng trứng phải phẫu thuật cắt bỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau này của chị em phụ nữ. Nhưng nếu không cắt ổ xoắn sẽ gây nhiễm trùng nặng hoặc gây áp xe và viêm phúc mạc.
Sau khi làm phẫu thuật cắt buồng trứng cần tuân theo những biện pháp của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát và tránh các yếu tố nhiễm trùng của các dây chằng xung quanh buồng trứng.
Đối tượng dễ bị buồng trứng xoắn
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, buồng trứng bị xoắn ở nữ giới không loại trừ độ tuổi nào, từ sơ sinh cho đến phụ nữ tiền mãn kinh đều có thể mắc phải. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:
U nang buồng trứng, u nang bì (u quái), u nang đơn thuần, u nang xuất huyết, kích thước u càng lớn, nguy cơ càng cao.
Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ở vùng tiểu khung, chậu hông cũng có nguy cơ xoắn buồng trứng.
Phụ nữ được kích thích buồng trứng có nguy cơ xoắn buồng trứng cao hơn,
Phụ nữ khi mang thai có u nang buồng trứng, nồng độ hormone cao hơn bình thường làm cho các dây chằng xung quanh giãn ra, xoắn vào buồng trứng. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, đây cũng là thời điểm dễ bị xoắn buồng trứng.