Em bé chào đời với 3 vòng dây rốn quấn cổ

Vòng hoa quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hay nhiều vòng. Phần lớn trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến mắc bệnh và tử vong chu sinh nhưng cần theo dõi để tránh biến chứng.

Bé IVF bị dây rốn quấn 3 vòng

Ngày 19/11, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ê kíp ThS.BSCKII Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa D5 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa mổ đẻ thành công cho sản phụ sinh em bé bị dây rốn quấn cổ 3 vòng.

Sản phụ H. (30 tuổi, trú tại Kiến Xương, Thái Bình) mang thai lần 2, thai IVF vào viện trong tình trạng thai 38 tuần.

Vòng hoa quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hay nhiều vòng. Do thai nhi thường xuyên cử động, xoay chuyển trong không gian tử cung chật hẹp của mẹ.

Vòng hoa quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hay nhiều vòng - Ảnh minh hoạ

Vòng hoa quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hay nhiều vòng - Ảnh minh hoạ

BSCKI Bùi Chí Dũng, Khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phân tích, dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây là đường dẫn khí oxy và các dinh dưỡng từ mẹ sang thai, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ.

Khi dây rốn thắt thành một nút thắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ. Khi tình trạng này xảy ra, thai nhi sẽ không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.

Dây rốn quấn cổ còn được gọi theo cách gọi dân gian là tràng hoa quấn cổ, xảy ra khi thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ.

Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ hay trong thời gian đau bụng chuyển dạ hoặc trong quá trình sinh. Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ ở khoảng 12% đối với thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng.

Theo dõi kỹ để tránh biến chứng

Theo BSCKI Bùi Chí Dũng Phần lớn trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến mắc bệnh và tử vong chu sinh. Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau sinh. Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít báo cho mẹ biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trừ trường hợp nghiêm trọng đe dọa tính mạng bé.

Ngược lại, dây rốn thắt nút lại gây các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cả trong quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ do thai nhi không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.

Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn. Dây rốn thắt nút có thể thắt lỏng hoặc thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.

Việc theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút. Thai phụ nên đến khám ngay để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu dây rốn thắt nút như: Thai nhi cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn.

Đặc biệt, trong thai kỳ, thai phụ theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần. Theo dõi sát tim thai trong chuyển dạ bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh...

Theo ThS. BSCKII Trần Ngọc Đính: Mặc dù phần lớn dây rốn quấn cổ không gây ra biến chứng nào cho thai nhi, nhưng vẫn có một số trường hợp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như:

• Giảm lưu lượng máu đến thai nhi

• Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR).

• Ép dây rốn khi sinh ngả âm đạo. Chặn dòng máu và oxy đến thai nhi;

• Dây rốn thắt nút có thể chặn hoàn toàn lưu lượng máu đến thai nhi, làm tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi;

• Thai nhi chậm phát triển

Vì vậy, điều thai phụ nên làm là cần đi khám thai định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ và đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Trong quá trình chuyển dạ, nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ sẽ được bác sĩ tư vấn cũng như theo dõi cuộc sinh nhằm phát hiện sớm những bất thường để xử lý phù hợp. Vì vậy, sản phụ đừng quá lo lắng khi biết con mình bị dây rốn quấn cổ.

Theo Đời sống
back to top