Cặp song sinh "siêu nghịch": Một dây rốn thắt nút, một 3 vòng rau quấn cổ

Dây rốn thắt nút hoặc quấn cổ có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và oxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy thai.

Mẹ N.T.H (SN 1993) được phát hiện thai nhi có dây rốn thắt nút vào tuần 16 thai kỳ. Đến tuần 32, chị H. nhập viện tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vì tình trạng rau tiền đạo bám mép chảy máu. Sau khi được theo dõi và điều trị, tình trạng chị H. ổn định và được xuất viện.

Cặp song sinh chào đời ở tuần 37, trong đó một bé có dây rốn thắt nút và một bé có 3 vòng dây rốn quấn cổ. BS Phạm Hải Đăng, người đã đón tay 2 bé vui mừng thông báo, trộm vía 2 bé sinh ra đều khoẻ mạnh và rất đáng yêu. Đây quả là trường hợp hiếm gặp và may mắn.

Bé bị dây rốn thắt nút - Ảnh BVCC

Bé bị dây rốn thắt nút - Ảnh BVCC

Thông thường, dây rốn thắt nút hoặc quấn cổ có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và oxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy thai.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó, các mẹ bầu cần được theo dõi thai kỳ cẩn thận để theo dõi tình trạng dây rốn và sức khỏe thai nhi. Bác sĩ sản khoa sẽ dựa trên các yếu tố liên quan để tư vấn phương pháp sinh phù hợp nhất, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

BSCKI Bùi Chí Dũng, Khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phân tích, dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây là đường dẫn khí oxy và các dinh dưỡng từ mẹ sang thai, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ. Khi dây rốn thắt thành một nút thắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ. Khi tình trạng này xảy ra, thai nhi sẽ không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.

Dây rốn quấn cổ còn được gọi theo cách gọi dân gian là tràng hoa quấn cổ, xảy ra khi thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ hay trong thời gian đau bụng chuyển dạ hoặc trong quá trình sinh. Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ ở khoảng 12% đối với thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng.

Bé bị rau quấn cổ 3 vòng

Bé bị rau quấn cổ 3 vòng

Phần lớn trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến mắc bệnh và tử vong chu sinh. Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau sinh. Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít báo cho mẹ biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trừ trường hợp nghiêm trọng đe dọa tính mạng bé.

Ngược lại, dây rốn thắt nút lại gây các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cả trong quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ do thai nhi không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.

Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn. Dây rốn thắt nút có thể thắt lỏng hoặc thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.

Việc theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút. Thai phụ nên đến khám ngay để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu dây rốn thắt nút như: Thai nhi cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn.

Đặc biệt, trong thai kỳ, thai phụ theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần. Theo dõi sát tim thai trong chuyển dạ bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh...

Theo Đời sống
back to top