Bài tập vận động tăng nhiệt chữa bệnh dạ dày, trĩ

Yoga là một môn tập có nhiều động tác. Mỗi động tác có tác dụng hỗ trợ điều trị những chứng bệnh khác nhau. Dưới đây xin giới thiệu bài tập vận động tăng nhiệt chữa bệnh dạ dày và bệnh trĩ.

Bài Asana vận động tăng nhiệt 1

Cách tập:

– Tư thế thư giãn: Ngồi ở tư thế bán già hoặc kiết già (chân nào đặt lên trên cũng được), lưng thẳng, thả lỏng cơ thể; hít thở bình thường; hai tay đặt lên hai gối hoặc trên bàn chân, lòng bàn tay ngửa.

– Chuẩn bị: Hai bàn tay ôm bụng, hai ngón giữa chạm nhau, hai ngón cái hướng ra sau.

– Thực hiện: Hít vào; rồi thở ra hết mức, bụng thót lại, 8 ngón tay ấn thẳng góc vào bụng, các ngón tay chạm sát vào nhau tập trung ở giữa rốn, nín thở 8 giây (cố gắng ấn các ngón tay càng sâu càng tốt). Sau đó hít vào, đẩy bụng ra, nới lỏng các ngón tay; thở ra trở về tư thế thư giãn.

Nghỉ 10 giây, rồi tiếp tục lần thứ hai. Thực hiện 3 lần.

Chú ý: Sau mỗi tuần tăng lên 1 lần, tăng tối đa đến 10 lần. Chỉ tập khi bụng rỗng; tập khi no rất nguy hiểm.

Tác dụng: Chữa các bệnh táo bón, trĩ.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bai-tap-van-dong-tang-nhiet-chua-benh-da-day-tri1.jpg

Tập yoga thường xuyên cải thiện sức khoẻ.

Bài Asana vận động tăng nhiệt 2

Cách tập:

– Tư thế thư giãn: Đứng thẳng, hai chân song song, rộng bằng vai; hai tay thả lỏng tự nhiên hai bên thân; hít thở bình thường.

– Chuẩn bị: Khuỵu đầu gối; hai bàn tay đặt trên hai đầu gối, cánh tay thẳng, người hơi ngả về trước; đưa mông về sau.

– Thực hiện: Hít vào, hít sâu xuống bụng; thở ra, đồng thời thót dần bụng lại cho đến khi thở ra hết thì co thót bụng lại đến mức cao nhất và nín thở 8 giây. Sau đó hít vào, từ từ thả chậm cơ hoành; thở ra, đứng lên trở lại tư thế thư giãn.

Nghỉ 10 giây, rồi tiếp tục lần thứ hai. Thực hiện 8 lần.

Chú ý: Tập khi bụng rỗng. Nếu người yếu có thể quỳ tập, hai tay vẫn để thẳng trên đầu gối.

Tác dụng: Chữa bệnh đau dạ dày, trĩ và bệnh hen vì nó giúp đẩy khí độc ra ngoài. Đồng thời, làm sạch máu, giúp các cơ quan nội tạng được hồi phục.

Ông Dương Bảo Ngọc

(Trung tâm Unesco Phát triển Nhân văn)

Theo Đời sống
back to top