Bác sĩ Việt Nam sáng tạo phương pháp phẫu thuật van động mạch chủ

(khoahocdoisong.vn) - Phương pháp “Phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng ngoài tự thân” của GS Ozaki (Nhật Bản) đã được trình diễn khắp thế giới với hàng ngàn bệnh nhân.

Phương pháp “Phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ (PTTTVĐMC) bằng màng ngoài tự thân” của GS Ozaki (Nhật Bản) đã được trình diễn khắp thế giới với hàng ngàn bệnh nhân. Bệnh viện E là đơn vị đầu tiên trong cả nước được thực hiện phương pháp này và đã có những sáng tạo bất ngờ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh được truyền hình trực tuyến quốc tế.

Van hỏng gây suy tim

Van động mạch chủ nằm ở cửa ngõ lưu thông của dòng máu đỏ giàu oxy từ trong buồng tim tâm thất trái bơm ra ngoài hệ thống động mạch đi nuôi cơ thể. Van tim có vai trò van một chiều. Về giải phẫu, van động mạch chủ có 3 cánh van mềm mại, đóng mở theo nhịp co bóp của tim. Khi tâm thất co bóp, 3 cánh van mở rộng tối đa để dòng máu từ trong tim được bơm ra ngoài, sau đó cánh van sẽ đóng lại để tránh dòng máu chảy ngược lại buồng tim.

Bệnh lý van động mạch chủ là một trong những bệnh van tim thường gặp với 2 hình thái bệnh lý:

1.Hẹp van: các cánh van bị vôi hoá, cứng lại, dính vào nhau làm hẹp lỗ van dẫn tới cản trở lưu thông dòng máu từ trong tim ra ngoài.

2. Hở van: các cánh van tim đóng không kín, không đảm bảo được chức năng của van một chiều dẫn tới một lượng máu sau khi bơm ra ngoài không được giữ lại ở hệ thống động mạch mà chảy ngược lại buồng tim. Hậu qủa của các tình trạng nàyđều khiến quả tim phải làm việc quá mức để đảm bảo dòng máu nuôi cơ thể; các tế bào cơ tim, cấu trúc buồng tim thay đổi. Kết cục cuối cùng là tình trạng suy tim: tim không đảm bảo chức năng bơm máu. Để cứu cho quả tim khỏi kết cục này, van động mạch chủ bệnh lý phải được phẫu thuật xử lý trước khi quá muộn.

Kiểm tra tim cho bệnh nhân sau 2 năm phẫu thuật

Kiểm tra tim cho bệnh nhân sau 2 năm phẫu thuật 

Sử dụng màng tim của chính bệnh nhân để sửa van hỏng

Đối với bệnh van động mạch chủ, phẫu thuật thay van vẫn là chủ yếu, sửa van ít hơn so với các van tim khác do đặc điểm giải phẫu ảnh hưởng đến kết quả sớm cũng như lâu dài. Khi phẫu thuật các bác sĩ sẽ cắt bỏ van bệnh lý, thay thế bởi van tim nhân tạo. Hiện tại có 2 loại van nhân tạo được sử dụng phổ biến: van cơ học (hợp kim carbon), van sinh học (cánh van tạo từ tổ chức sống của động vật).

Mặc dù có nhiều cải tiến của các thế hệ van nhân tạo, ảnh hưởng lên dòng chảy qua van do vòng van bị thu hẹp, cố định mất tính co giãn; hậu quả của việc phải dùng thuốc chống đông máu kéo dài trong trường hợp thay van cơ học, thoái hoá sớm ở van sinh học vẫn là những hạn chế lớn chưa khắc phục hết được. Các ảnh hưởng này sẽ phức tạp  hơn trong những trường hợp vòng van nhỏ, trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.

Giáo sư Ozaki (Tokyo - Nhật Bản) sau hàng chục năm nghiên cứu đã công bố phương pháp PTTTVĐMC sử dụng màng ngoài tim của chính bệnh nhân tạo thành 3 cánh van thay cho van tim bị hỏng. Phương pháp được áp dụng cho tất cả các loại thương tổn van động mạch chủ, khắc phục được phần lớn các nhược điểm của van nhân tạo: không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, đảm bảo được tính co giãn và không làm thu hẹp vòng van, dòng máu lưu thông qua van gần hơn với van tim sinh lý của người bệnh. Kết quả theo dõi trung hạn (10 năm) trong nghiên cứu của giáo sư Ozaki với với 900 trường hợp cho thấy, không có trường hợp nào lá van tái tạo bị thoái hoá, tỷ lệ các biến chứng, rủi ro thấp so với van nhân tạo.

Trình diễn cải tiến của Việt Nam ra thế giới

Trình diễn cải tiến của Việt Nam ra thế giới

Cải tiến mới giúp nhiều người bệnh khỏe mạnh

Phương pháp PTTTVĐMC đã được giáo sư trình diễn khắp thế giới với hàng ngàn bệnh nhân. Năm 2013, lần đầu tại Việt Nam, GS Ozaki đã phẫu thuật cho 1 bệnh nhân tại Trung tâm tim mạch bệnh viện E là bệnh nhân nam 35 tuổi thuộc dân tộc ít người ở miền núi. Đến nay người bệnh có cuộc sống trở về bình thường, van tim hoạt động rất tốt, không phải dùng thuốc chống đông máu.

Trong chương trình đào tạo, chuyển giao theo lời mời hợp tác của GS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam -  GS Ozaki và kíp phẫu thuật Nhật Bản đã nhiều lần đến giảng dạy, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ Việt Nam tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E. Sau 4 năm chương trình hoàn tất, từ tháng 7/2017 nhóm phẫu thuật của Trung tâm tim mạch không chỉ độc lập thực hiện kỹ thuật mà còn có những sáng tạo độc đáo.

Chẳng hạn, với những bệnh nhân bị tổn 1 hoặc 2 cánh van thay vì phải mổ để thay van, hiện nay tại Trung tâm Tim mạch, các bác sĩ có thể mổ tái tạo van bằng màng tim tự thân cho lá van bị hỏng, giữ nguyên cánh van lành. Hoặc với các bệnh nhân tổn thương nhiều van tim phải thay van thì bằng kỹ thuật PTTTVĐMC này cũng tránh cho người bệnh phải mang nhiều van tim nhân tạo trong người.

Hơn nữa, thay vì mổ mở truyền thống phải thực hiện mở toàn bộ xương ức dài chừng 20cm, Trung tâm Tim mạch bệnh viện E đã áp dụng kỹ thuật mổ ít xâm lấn với đường mổ chỉ khoảng 6 cm để giảm thiểu sang chấn phẫu thuật cho người bệnh. Đến nay, sau 18 tháng làm chủ kỹ thuật này, các bác sĩ BVE đã phẫu thuật cho 125 bệnh nhân với kết qủa hết sức ấn tượng.

Thành công này đã được ghi nhận với việc Trung tâm Tim mạch bệnh viện E là đại diện duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình truyền hình trực tiếp của Gs Ozaki trong Hội thảo trực tuyến quốc tế “PTTTVĐMC bằng phương pháp Ozaki” ngày 10/11, cùng với 3 điểm cầu tại Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia.

Không phải dùng thuốc chống đông máu, an toàn cho phụ nữ sinh con, ưu điểm với trẻ em và người chưa trưởng thành

GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết, hở - hẹp van động mạch chủ là bệnh thường gặp, đứng thứ 2 về bệnh van tim. Van tim hỏng làm tăng gánh nặng cho tâm thất trái và lâu dài sẽ dẫn đến suy tim, trường hợp nặng người bệnh dễ bị đột tử. Hiện nay,trên thế giới phần lớn vẫn tiến hành thay van tim bằng van nhân tạo. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 - 20 năm, sau đó người bệnh phải phẫu thuật thay van mới. Các thế hệ van nhân tạo hiện nay đã được cải tiến qua nhiều năm, có nhiều ưu điểm.

Tuy nhiên vấn đề thoái hoá sớm ở van sinh học, phải dùng thuốc chống đông lâu dài ở van cơ học, thay van tim ở trẻ em và người chưa trưởng thành vẫn còn đó những vấn đề chưa giải quyết hết được. Với phương pháp Ozaki, các bác sĩ PTTTVĐMC bằng màng tim của chính bệnh nhân, khắc phục được nhiều nhược điểm của van tim nhân tạo.

Vì vậy, theo GS.TS Lê Ngọc Thành, đây là kỹ thuật của tương lai rất phù hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến. Bởi vì, tính ưu việt của phương pháp này là sử dụng vật liệu tự thân làm van tim, giúp cho người bệnh không phải dùng van nhân tạo, giảm nguy cơ nhiễm trùng van sau mổ.

Mặt khác, với ưu điểm có diện tích hiệu dụng lớn, chênh lệch áp lực qua van tự tạo thấp, lưu thông dòng máu qua van sinh lý hơndo không làm thu hẹp vòng van nên rất hữu ích với những bệnh nhân có vòng van bé, trẻ nhỏ cơ thể còn tiếp tục phát triển… Đặc biệt, do không phải dùng thuốc chống đông ngay sau mổ, phương pháp đặc biệt có ưu điểm với bệnh nhân nữ trong độ tuổi sinh nở.

Trung tâm tim mạch bệnh viện E là đơn vị ứng dụng các kỹ thuật tiến tiến hiện đại hàng đầu trong phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam. Trung tâm cũng là một trong những cơ sở đi đầu cả nước trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cả người lớn và trẻ em, thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật mỗi năm, triển khai thường quy các kỹ thuật khó như Fontan, Glenn, bắc cầu chủ vành, thay van tim ở bệnh nhân lớn tuổi, mổi lại nhiều lần, suy tim nặng…Trung tâm thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ, thay van hai lá, vá thông liên thất, vá thông liên nhĩ…Trung tâm cũng là nơi đi đầu cả nước về mổ tim hở nội soi và nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện trên cả nước. Trung tâm trở thành một trung tâm hoàn chỉnh từ chấn đoán đến điều trị tim mạch, thực hiện can thiệp tim mạch như thông tim, chụp mạch, đặt stent, bít lỗ thông liên thất, thông liên nhĩ, ống động mạch, nong eo ĐMC, nóng VĐM phổi, đặt stent ĐMC bụng, ngực, chi dưới, cấy máy tạo nhịp, điều trị can thiệp tĩnh mạch chi dưới bằng laser và sóng cao tần… với toognr số trung bình 2.000 ca/năm.

TS.BS Nguyễn Công Hựu (Trưởng khoa Phẫu thuật Trung Tâm tim mạch Bệnh viện E)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top