Luyện thân phòng bệnh tăng cường sức khoẻ

(khoahocdoisong.vn) - Dưỡng sinh trong y học phương Đông dựa theo học thuyết âm dương ngũ hành, học thuyết vận khí. Ngoài ra, còn có nhiều chuyên đề gồm: Cách sống, sinh hoạt, làm việc, ăn uống, môi trường, kiêng kỵ, tập luyện...

Trong tập luyện lại có nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo cơ địa và sức khoẻ của từng người, và từng mùa  để áp dụng cho phù hợp, không làm tổn thương cơ thể.

Học thuyết âm dương: Hằng ngày người ta ăn, uống vào cơ thể, tập luyện, mục đích để cân bằng âm dương, tăng cường khí huyết, để bảo toàn sức khoẻ. Nhưng theo học thuyết vận khí thì mỗi năm âm lịch có khí hậu khác nhau. Năm thuộc hỏa thì nóng nhiều, năm thuộc thủy thì mưa nhiều, năm thuộc hàn thì rét nhiều... Mỗi năm có bốn mùa, mỗi mùa khí hậu khác nhau. Mùa xuân khí hậu ấm áp, mùa hạ khí hậu nóng, mùa thu khí hậu mát , mùa đông khí hậu lạnh. Ấm và nóng thuộc dương khí. Mát và lạnh thuộc âm khí.

 Mỗi tháng trong năm theo thuyết vận khí,  khí hậu đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng cũng khác nhau. Mỗi ngày lại có khí hậu của bốn mùa. Buổi sáng thuộc khí hậu mùa xuân, buổi trưa khí hậu mùa hạ, buổi chiều khí hậu mùa thu, ban đêm khí hậu mùa đông. Cho nên rèn luyện thân thể cũng phải theo quy luật của tự nhiên, trái với quy luật ấy thì dễ sinh bệnh, có khi hại đến sức khoẻ, dẫn đến tử vong, nhất là người cao tuổi.

Quy luật ăn uống: Trong mỗi cơ  thể con người, có người thuộc tạng hàn, có người cơ thể tạng nhiệt, nhưng có người thuộc trung bình (không hàn mà cũng không nhiệt), có nghĩa là không hàn quá mà cũng không nhiệt quá. Nếu người tạng hàn mà ăn uống nhiều thức ăn mát lạnh dễ sinh bệnh, trước hết là dễ mắc chứng phong hàn, chứng tích trệ. Người tạng nhiệt nếu ăn, uống  nhiều thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu, bia, làm tích nhiệt, dễ mắc chứng hỏa vượng, sinh chứng huyễn vựng như đau đầu, cao huyết áp... Còn người cơ thể thuộc tạng trung bình ăn uống không dè chừng dễ mắc chứng thấp nhiệt, hóa thành phong, hoặc thấp nhiệt uất kết lâu ngày cũng dễ hóa thành thực nhiệt mà sinh bệnh.

Tu dưỡng giữ sức khoẻ: Không nên quá vui, quá buồn, quá tức giận làm cho âm dương luôn mất cân bằng mà sinh bệnh. Mỗi cơ thể con người có ba thứ quí nhất đó là tinh, khí, thần. Thế kỷ 14 đại danh y Tuệ Tĩnh đã tổng quát trong học thuyết dưỡng sinh là: “Bế tinh dưỡng khí tồn thần, thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình”. Thế kỷ thứ 17 danh y Đào Công Chính - nhà y học, dưỡng sinh học của Việt Nam đã viết cuốn sách “Bảo sinh diên thọ toản yếu” để hướng dẫn mọi thế hệ cách ăn uống, tập luyện, tu dưỡng nhằm bảo vệ sức khoẻ được an toàn, sống trường thọ hưởng hết tuổi trời linh trăm tuổi.

Cách đây hơn hai nghìn năm trong “Thượng cổ thiên chân luận sách Tố vấn” Hoàng đế Trung Hoa hỏi: “Tôi nghe, đời thượng cổ, sống đến linh trăm tuổi mà sức khoẻ không kém sút, đến người đời nay tuổi mới năm mươi mà sức khoẻ đã kém sút, đó là vì thời thế khác chăng? Hay là lỗi tại người chăng? Ông Kỳ Bá - nhà y học lỗi lạc thời đó thưa: “Về đời thượng cổ, những người biết đạo (các phương pháp điều dưỡng tinh thần, khí huyết) bắt chước ở âm dương, điều hòa với thuật số (Thuật số là bắt chước âm dương, âm dương là cái gốc sinh ra vạn vật trong tự nhiên thuận theo nó thì sống, trái với nó thì chết, cho nên con người phải sống điều hòa để thuận với nó). Ăn uống có mực, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên giữ được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời linh trăm tuổi mới thác. Người đời nay thì không thế: Lấy rượu làm nước uống, lấy càn bậy làm sự thường, đương lúc say lại nhập phòng, do lòng dục mà làm kiệt mất tinh, hao tán mất khí chân nguyên, không biết giữ gìn cẩn thận, không biết điều dưỡng tinh thần, chỉ cốt cho được khoái tâm. Làm trái ngược cái vui thú của dưỡng sinh, khởi cư không có điều độ... cho nên mới nửa trăm tuổi mà sức khoẻ đã suy yếu”.

Bậc thánh nhân đời thượng cổ đã răn dạy: “Người dưới biết xa lánh hư tà, tặc phong (hư tà là khí độc, tặc phong là gió độc) trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo âm dương, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được. Vì vậy, chí nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ, hình mệt mà không quá, chân khí điều hòa, mọi sự đều được mãn nguyện.

Ăn đã đủ no, mặc đã đủ ấm, phong tục vui vẻ trên dưới êm hòa, không hề ganh tỵ cho nên nhân dân thời kỳ đó gọi là “Phác”. "Phác" ở đây có nghĩa là dân chúng biết vâng theo lời dạy của người trên, nên mọi việc được đầy đủ không ham muốn xa hoa, cho nên phong tục vui vẻ, không có sự ngờ vực, ghen ghét. Người trên không ức hiếp kẻ dưới, kẻ dưới không ghen ghét người trên. Vì người trên không làm điều gì quá phạm vi địa vị của mình cho nên những điều dâm tà không thể làm bận tâm, những điều ham muốn không thể làm mỏi mắt họ. Kẻ ngu, người khôn, kẻ hay, người kém, không thể sợ đến ngoại vật, nên mới hợp với đạo... Vì thế nên mới có thể sống linh trăm tuổi mà sức khoẻ vẫn không sút kém, đó là bởi  “Đức toàn”.”  

Dưỡng sinh là một bộ môn trong nền Y học phương Đông, đã có hàng nghìn năm lịch sử. Dưỡng sinh là nuôi dưỡng, tu dưỡng, luyện dưỡng để  phòng bệnh, chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ kéo dài tuổi thọ.

TTND.BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng

(nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top