Tắm muộn, nữ sinh 20 tuổi đột ngột bị liệt tay chân

Viêm tủy là tình trạng tủy sống bị viêm nhiễm, có thể làm tổn thương myelin và sợi trục gây ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền và phản xạ của người bệnh. Thói quen tắm muộn có thể gây bệnh.

Tối tắm muộn, sáng ngủ dậy thì liệt

Nữ sinh Đ.T. T.H (20 tuổi, Thái Bình) đến khám do đột nhiên bị yếu liệt tay bên phải sau khi ngủ dậy.

Qua khai thác lâm sàng được biết vào ngày hôm trước, bệnh nhân vẫn đi làm và sinh hoạt hoàn toàn bình thường, không bị chấn thương hay dấu hiệu hoạt động quá sức vùng cánh tay.

Sau khi đi làm về, H ăn uống và tắm rửa (bệnh nhân có thói quen tắm muộn do đặc thù công việc). Khi ngủ dậy vào sáng hôm sau, H cảm thấy đau nhức vùng cổ vai gáy dữ dội kèm theo khó cử động các ngón tay bên phải, phần cánh và cẳng tay cùng bên tê bì, không thể vận động được, các triệu chứng tương tự sau đó bắt đầu xuất hiện ở tay bên trái.

Nghi ngờ có tổn thương về hệ thần kinh, bác sĩ chỉ định người bệnh chụp cộng hưởng từ vùng cổ để quan sát chi tiết về tủy cổ, đám rối thần kinh cánh tay và phần mềm vùng cổ.

Trên hình ảnh chụp MRI phát hiện tổn thương tăng tín hiệu trong tủy cổ đoạn ngang mức đốt sống C3-C6, chủ yếu ở cột tủy trước, ưu thế bên phải, không thấy khối choán chỗ. Các bác sĩ tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC kết luận đây là dạng tổn thương của bệnh viêm tủy.

Hình ảnh viêm tủy trên phim chụp - Ảnh BVCC

Hình ảnh viêm tủy trên phim chụp - Ảnh BVCC

Viêm tủy là tình trạng tủy sống bị viêm nhiễm, có thể làm tổn thương myelin và sợi trục gây ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền và phản xạ của người bệnh.

Bệnh thường khởi phát bằng hội chứng nhiễm khuẩn, sốt ở nhiều mức độ khác nhau hoặc có thể không sốt, kèm theo đau dây thần kinh tại khu vực bị viêm, đau lan ra các vùng mà nó chi phối.

Người bệnh sẽ cảm thấy yếu cơ hoặc tê liệt các chi với các mức độ nghiêm trọng khác nhau, gây khó khăn trong vận động và thăng bằng. Một số người bệnh có cảm giác ngứa ran, nóng rát, châm chích, tê bì trên da.

Một vài tình trạng khác có thể gặp là đi tiểu không tự chủ hoặc không thể đi tiểu, rối loạn chức năng ruột và bàng quang, táo bón, nôn mửa kéo dài.

Chớ nên chủ quan với đau lưng

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, viêm tủy xương đốt sống là tình trạng nhiễm trùng của thân đốt sống là một nguyên nhân gây ra đau lưng, đặc biệt là ở những người trẻ khỏe mạnh.

Nhiễm trùng lây lan đến thân đốt sống theo đường mạch máu. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng thân đốt sống xảy ra ở cột sống thắt lưng do lưu lượng máu đến vùng này của cột sống. Nhiễm trùng lao có khuynh hướng đối với các đốt sống ngực và những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch có nhiều khả năng bị nhiễm trùng các đốt sống cổ .

Các triệu chứng đau lưng do nhiễm trùng cột sống thường tiến triển âm ỉ và trong thời gian dài: Ngoài đau lưng, xuất hiện ở trên 90% bệnh nhân viêm tủy xương đốt sống, các triệu chứng chung có thể có một hoặc kết hợp các triệu chứng như: Sốt, ớn lạnh hoặc run rẩy; Sụt cân; Đau vào ban đêm nhiều hơn đau vào ban ngày; Sưng tấy và nóng và mẩn đỏ xung quanh vị trí nhiễm trùng.

Nhiễm trùng cột sống hiếm khi ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cột sống. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể di chuyển vào ống sống và gây áp xe ngoài màng cứng, có thể gây áp lực lên các yếu tố thần kinh. Nếu điều này xảy ra ở cột sống cổ hoặc ngực, nó có thể dẫn đến liệt nửa người hoặc liệt tứ chi. Nếu nó xảy ra ở cột sống thắt lưng nó có thể dẫn đến hội chứng đuôi ngựa (một hội chứng dẫn đến đại tiện không tự chủ và bàng quang, gây tê, yếu chi dưới).

Vị trí phổ biến nhất của nhiễm trùng xương đốt sống là ở lưng dưới, hoặc cột sống thắt lưng, tiếp theo là đốt sống ngực, đốt sống cổ. Nó cũng có thể phát triển trong xương cùng – cụt, các đốt ở dưới cùng của cột sống kết nối với xương chậu.

Các triệu chứng của viêm tủy xương đốt sống rất thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh nhân, vị trí nhiễm trùng và mức độ tiến triển của bệnh. Ví dụ, trong khi sốt là một triệu chứng điển hình, một số người có thể không sốt và những người khác có thể sốt cao.

Theo Đời sống
back to top