Lấy dị vật trong dạ dày bé 33 tháng

Nhiều trường hợp dị vật mắc lại trong đường tiêu hóa gây tắc ruột, thủng ruột hoặc thậm chí nếu rơi vào thanh quản gây tắc đường thở, dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nuốt dị vật vào dạ dày

Cháu bé 33 tháng tuổi vừa được đưa tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vì nghi nuốt lego đồ chơi.

Theo lời kể của gia đình, trong khi đang chơi với anh trai 15 tuổi, anh trai cháu Nguyễn Lê X.P có thông báo cho gia đình rằng cháu đã nuốt một lego đồ chơi có kích thước dài khoảng 4-5cm hình thanh kiếm bằng nhựa.

Mặc dù sau nuốt cháu không khó chịu, không đau vùng cổ, buồn nôn hay khó thở nhưng gia đình đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của sự việc nên đã cho cháu nhập viện Trẻ Em Hải Phòng.

Lấy dị vật trong dạ dày trẻ 33 tháng - Ảnh BVCC

Lấy dị vật trong dạ dày trẻ 33 tháng - Ảnh BVCC

Vì dị vật là nhựa nên không xác định được trên phim chụp. Sau khi khai thác kỹ thông tin từ gia đình, xác nhận chắc chắn thông tin trẻ có nuốt dị vật,nhận định kích thước hình dạng dị vật nằm trong chỉ định cấp cứu vì có nguy cơ cao dị vật sẽ gây tổn thương niêm mạc thực quản, dạ dày, ruột, nguy hiểm nhất là sẽ mắc kẹt lại trong lòng ruột và gây thủng ruột. Bác sĩ khoa Tiêu hoá đã nhanh chóng ra chỉ định nội soi gắp dị vật.

Cháu bé được tiến hành gây mê, nội soi và gắp kịp thời dị vật là lego hình thanh kiếm bằng nhựa cứng, mũi nhọn kích thước gần 5,5 cm có khả năng gây thủng cao tại phình vị dạ dày ra ngoài an toàn. Hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định.

Thanh kiếm nhựa được lấy ra từ dạ dày bệnh nhân - Ảnh BVCC

Thanh kiếm nhựa được lấy ra từ dạ dày bệnh nhân - Ảnh BVCC

Hóc dị vật dễ tử vong

BS Hà Thị Cẩm Tú, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo các gia đình, hóc dị vật đường thở là các tình huống rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng, dị vật có thể bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh, sặc hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi...

Các gia đình nên thận trọng và thường xuyên nhắc nhở trẻ, chú ý khi trẻ tiếp xúc với những đồ dùng nhỏ, có cạnh sắc, nhọn có thể gây tổn thương thực quản, khí phế quản như: đầu bút, mảnh đồ chơi.

Nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi xử trí ban đầu, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tin cậy trong thời gian sớm nhất có thể để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng.

Nhiều trường hợp dị vật mắc lại trong đường tiêu hóa gây tắc ruột, thủng ruột hoặc thậm chí nếu rơi vào thanh quản gây tắc đường thở, dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp khi trẻ nuốt phải dị vật, phụ huynh cần định hướng sớm là dị vật đường tiêu hoá hay dị vật đường thở. Nếu loại trừ dị vật đường thở cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế có thể can thiệp bằng nội soi để bác sĩ xử trí và gắp dị vật ra ngoài.

Phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý :

- Cất các đồ vật nhỏ như đồng xu, cục pin, lego, kim, tăm, gốm thủy tinh dễ vỡ…ngoài tầm với của trẻ.

- Từ khi còn nhỏ, tập cho trẻ thói quen không được ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà.

- Cho trẻ chơi với các món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi.

- Quan sát cẩn thận khi trẻ đang chơi với các đồ chơi.

- Kiểm tra kĩ lưỡng thức ăn như cá, gà, chim… để đảm bảo rằng không còn xương trong đồ ăn của trẻ.

-Trong khi trẻ ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa đùa giỡn mất tập trung...

Theo Đời sống
back to top