- Thẩm thấu dầu bằng bột vỏ trái sầu riêng
- Sự thực mùa hè ăn hoa quả nóng
- Tránh hại sức khỏe từ trào lưu rượu hoa quả
Vị thuốc hay trong Đông y
Trong Đông y, mọi bộ phận cây sầu riêng đều được dùng làm thức ăn và thuốc chữa bệnh. Trái sầu riêng là một loại quả nhiều dinh dưỡng được dùng làm nước giải khát, mứt kẹo, bánh, nấu chè, xôi, thơm ngon, mát bổ.
Hạt sầu riêng được dùng như hạt mít, hạt điều, có tác dụng bổ tỳ, bổ thận.
Cơm của sầu riêng vừa thơm ngon lại vừa bổ dưỡng, có tác dụng kích thích, tăng cường khả năng sinh dục, lọc máu và trừ được giun sán.
Vỏ quả sầu riêng có vị đắng, tính ấm, có tác dụng ích khí, tiêu thực, cầm mồ hôi, làm ấm phổi để chữa ho, thường được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt.
Ngày dùng 15 – 20g, thái nhỏ nấu nước uống. Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp…
Sau khi ăn người ta thường lấy vỏ rửa sạch, thái lát mỏng, phơi khô để dùng dần.
Theo kinh nghiệm dân gian, rễ và lá sầu riêng được dùng làm thuốc chữa sốt và viêm gan vàng da.
Lấy rễ và lá sầu riêng 10 – 20g thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hằng ngày, đồng thời kết hợp lấy lá tươi nấu nước tắm cho những người bị vàng da do gan.
Chỉ nên ăn 2 múi sầu riêng/ngày.
Theo Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), trong 100g phần ăn được của sầu riêng, hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác.
Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g cơm quả sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% protit, 2,7% lipit, 16,2% gluxit, nhiều loại chất khoáng và vitamin.
Mùi đặc biệt của múi sầu riêng là do hỗn hợp của các este và thioethe tạo thành. 100g sầu riêng cung cấp tới 129-181 calo, một trái sầu riêng trung bình từ 1-1,5kg sẽ cung cấp tới 1000 calo.
Tuy nhiên, chính sự bổ dưỡng và giàu ka li, mangan, lưu huỳnh nên sầu riêng cũng có những tác hại nhất định mà nhiều người không để ý.
Không tốt cho bệnh thận, cao huyết áp
Sầu riêng chứa rất nhiều đường và chất béo nên việc ăn hàng ngày sẽ sinh nhiệt trong cơ thể, gây nóng trong, nổi mụn và nhiệt miệng.
Những người âm hư, nội nhiệt, với các triệu chứng: người gầy ốm, da khô, nóng bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh…cần hạn chế dùng sầu riêng.
Đông y cho rằng sầu riêng có tính nóng (có thể làm tăng huyết áp), vì thế không tốt cho người bị cao huyết áp. Harmaline trong nhân hạt và trong nạc quả sầu riêng kết hợp với rượu có thể làm tăng cao huyết áp.
Sầu riêng là loại quả có chỉ số đường rất cao (lên đến 70%) nghĩa là ngay sau khi ăn sầu riêng xong, đường huyết tăng cao rất nhanh… nên đây là loại quả phải kiêng đối với bệnh nhân tiểu đường.
Ăn sầu riêng có thể gây tăng huyết áp và bốc hỏa, đầy hơi, khó tiêu ở bà bầu. Sầu riêng là loại quả chứa nhiều kali không tốt cho bệnh nhân bị suy thận.
Chất kali bị ứ đọng lại trong cơ thể khi bị suy thận sẽ cực kỳ nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột, gây tử vong bất cứ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước.
Sầu riêng có tính nóng, nên đặc biệt lưu ý không ăn kèm với các loại như: trà đậm, cà phê, bia, rượu hoặc các gia vị cay nóng như ớt, tỏi… vì sẽ gây ra tình trạng bứt rứt khó chịu trong người, tăng nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.
Do hàm lượng đạm và năng lượng cao nên chỉ ăn tối đa 2 múi sầu riêng/ngày và nên ăn kèm thêm các loại trái cây thanh mát khác như thanh long, cam, bưởi…
Ths.BS. Nguyễn Thị Tuyết Lan