Nhiều người dùng nguy hiểm
DSTS Phạm Hinh, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cảnh báo, hiện nhiều người dùng ACNHH chữa hoặc phòng các bệnh nặng như tim mạch, TBMMN, huyết áp…mà không biết dễ rước họa vào thân, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu cơ thể không thuộc thể nhiệt.
DSTS Phạm Hinh phân tích, theo phương ACNHH trong “Ôn bệnh điều biện” của Ngô Đường, (Đời nhà Thanh), thành phần của ACNHH gồm có: Ngưu hoàng, hoàng cầm, sơn chi, uất kim, tê giác, hoàng liên, băng phiến, xạ hương, chân châu, hùng hoàng, chu sa, kim bạc.
Các vị thuốc được tán mạt, mật hoàn viên, kim bạc làm áo. Các vị thuốc trong bài đều thanh nhiệt, giải độc như: ngưu hoàng thanh tâm, giải độc; Hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi thanh nhiệt, tá hỏa; Uất kim hoạt huyết, khai uất, tán huyết mà thông tâm; Tê giác thanh nhiệt, giải độc; Chu sa, kim bạc trấn tâm an thần; Xạ hương, băng phiến phương hương khai khiếu. Hùng hoàng hóa đàm, giải độc.
Hợp dược của bài thuốc: thanh nhiệt giải độc, khai khiếu, trấn tâm, an thần, hoạt huyết, giảm tổn thương tế bào thần kinh và phục hồi tế bào thần kinh bị tổn thương. Cách dùng: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g. Trẻ em tùy tuối dùng liều cho thích hợp.
Ứng dụng: chữa các chứng nhiệt bế, nhiệt nhập vào tâm bào gây sốt cao, co giật, các trường hợp trúng phong, thần chí hôn mê, kinh quyết, co giật. Các trường hợp hôn mê do viêm não, xuất huyết não, đột quỵ, tai biến mạch máu não, trẻ em sốt cao, kinh giật. Hỗ trợ điều trị viêm màng não, nhiễm trùng huyết. ACNHH không thể dùng được cho người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, không dùng cho bệnh nhân bất tỉnh do thân nhiệt, phụ nữ có thai. Việc dùng không đúng gây tai biến rất nghiêm trọng, thậm chí chết rất nhanh nếu thuộc thể hàn bị TBMMN.
Cần thận trọng khi sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn
Nhận biết tai biến mạch máu não để dùng cho đúng
DS.TS Phạm Hinh cho biết, ACNHH có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, quát đàm, khai khiếu tinh thần, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục và giảm nhẹ di chứng để lại, dùng trong cấp cứu xuất huyết não, nhồi máu não, viêm não, sốt cao co giật, rối loạn trung tâm điều nhiệt ở thân não, nhiễm trùng huyết. Cụ thể: giúp tiêu các mảng xơ vữa, giãn mạch, khơi thông lòng mạch, bình can hạ áp, tăng cường tưới máu, kích thích phục hồi tế bào thần kinh đang trong giai đoạn tổn thương. Nên dùng sớm (trước 6 giờ mới tốt). Liều dùng ngày 1 viên, uống 5 – 7 ngày.
Theo DS.TS Phạm Hinh, mọi người thường dùng ACNHH trong các trường hợp bệnh nặng nguy cấp, đặc biệt trong chứng trúng phong (TBMMN). Nhưng thực tế trong đông y, trúng phong gồm 2 loại: kinh lạc và tạng phủ. Trúng phong kinh lạc bệnh nhân không hôn mê, đột nhiên miệng, mặt méo, cảm giác tê bì co cứng, nói ngọng, nước dãi chảy ra góc miệng, có thể liệt ½ người, có thể sốt, đau nhức toàn thân, mạch nhu huyền.
Trúng phong tạng phủ chia hai thể: bế chứng và thoát chứng. ACNHH chỉ được chỉ định dùng trong trúng phong tạng phủ nhưng chỉ dùng được ở thể dương bế trong bế chứng (ngoài triệu chứng chung trong trúng phong, bệnh nhân có biểu hiện: trạng thái bứt rứt, vật vã, mắt đỏ, hơi thở hôi, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác) không dùng trong thể âm bế trong bế chứng (ly bì, chân tay lạnh, sắc mặt nhợt trắng, môi thâm, nhiều đờm dãi gây bế tắc, rêu lưỡi trắng nhày, mạch trầm, hoãn hoạt).
Chống chỉ định trong thoát chứng: Hôn mê sâu, đột nhiên choáng, ngã lăn xuống sàn nhà, hôn mê; toàn thân duỗi thẳng, mềm nhẽo, chân tay lạnh, bàn tay xòe ra, miệng há, mắt nhắm, mặt tái nhợt, hơi thở rất yếu; Đại tiểu tiện không tự chủ, lưỡi mềm như héo rũ, vã mồ hôi, mạch vi, tế…
Về vấn đề uống ACNHH dự phòng trúng phong, theo DS.TS Phạm Hinh, chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào công bố. Tuy nhiên, với tác dụng: làm tan các mảng xơ vữa trong lòng mạch được hình thành bởi cholesterol, lipit; Làm thông thoáng các đoạn mạch bị hẹp đặc biệt ưu tiên vùng não; Làm bình ổn huyết áp…thì có thể dùng dự phòng cho người tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, có tiền sử xuất huyết não. Tuy nhiên, phải thăm khám bác sĩ để biết thực trạng của cơ thể để dùng đúng.
Nhật Hà