Viêm dây thần kinh ngoại biên có nhiều nguyên nhân.
Nếu viêm dây thần kinh ngoại biên đau ở phần dưới cơ thể cảm thấy gặp lạnh bệnh tăng do hàn thấp nên dùng bài có vị: Nhân sâm 12g, phục linh 14g, sinh địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, xích thược 14g, đỗ trọng 14g, ngưu tất 12g, độc hoạt 8g, tang ký sinh 16g, tế tân 6g, tần giao 10g, phòng phong 10g, quế chi 12g, cam thảo 6g, đại táo 3 quả, tam thất 14g. Sắc uống ngày một thang. Đây là Bài Độc Hoạt Ký Sinh gia giảm. Tác dụng ích can thận, bổ khí huyết, thông kinh lạc trừ phong hàn thấp. Bài thuốc vừa bổ chính khí vừa khu tà, rất thích hợp với viêm dây thần kinh ngoại biên đau phần dưới cơ thể, đau cố định một chỗ ít di chuyển nơi khác.
Nếu viêm dây thần kinh ngoại biên đau ở vai tay phần trên cơ thể, do khí hư huyết trệ nên dùng bài có vị: Xích thược 16g, đương quy 16g, hoàng kỳ 14g, khương hoàng 12g, khương hoạt 10g, phòng phong 8g, cam thảo 6g, đại táo 10g, đỗ trọng 14g, tục đoạn 12g. Sắc uống ngày một thang. Đây là bài Quyên Tý Thang gia vị. Tác dụng ích khí hoạt huyết khu phong trừ thấp… trị vai gáy tay đau tê tay mỏi tay chân… Bài rất thích hợp viêm dây thần kinh ngoại biên đau mỏi vai tay do nội nhân khí huyết hư, ngoại nhân phong hàn ứ trệ.
Nếu viêm dây thần kinh ngoại biên kèm theo có bệnh tiểu đường, bệnh gút, do huyết hư ứ trệ… nên dùng bài có vị: Đương quy 16g, xuyên khung 14g, xích thược 16g, sinh địa 20g, ngưu tất 14g, tô mộc 16g, đơn sâm 14g, uất kim 12g, quế chi 14g. Sắc uống ngày một thang. Đây là Bài Tư Vật gia giảm. Tác dụng: Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh… Bài này gia ngưu tất, tục đoạn, bổ gan thận mạnh gân xương, gia vị thương truật hoàng bá thanh thấp nhiệt, gia tô mộc 16g, đơn sâm 14g, uất kim 12g, thông kinh hoạt huyết giảm đau tê. Các vị hợp thành bài thuốc vừa bổ vừa thông. Bài dùng rất thích hợp người nội tạng can tỳ thận âm hư sinh khí huyết ngưng trệ gây viêm dây thần kinh ngoại biên.
Phòng trị viêm dây thần kinh ngoại biên cần lưu ý, đây là chứng bệnh có nhiều nguyên nhân, bệnh mãn khí huyết suy kém, ngoài uống thuốc cần ăn uống bổ dưỡng và tập luyện nâng cao thể lực và nên tránh thức khuya, lao động nặng nhọc, hút thuốc lá, ăn mặn, thức ăn cay nóng. Nếu do biến chứng tiểu đường hoặc do viêm nhiễm, thoái hoá cơ khớp… cần điều trị nguyên nhân. Nếu đau tê nhiều có thể giảm đau tê bằng châm cứu, vật lý trị liệu. Nếu cấp bệnh nặng, cần phải đi khám điều trị chuyên khoa.
Lương y Minh Phúc
(Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)