Trong phong thủy, xương rồng là loại cây đại diện cho con người mạnh mẽ, cứng rắn, dù cuộc sống khắc nghiệt như thế nào cũng vượt qua. Không chỉ có ý nghĩa trong phong thủy, cây xương rồng còn có những tác dụng chữa bệnh vô cùng tuyệt vời.
Trong đông y, xương rồng là loại cây có tính hàn, vị đắng và có chất độc nếu không biết cách sử dụng. Thân cây có tác dụng tiêu thũng, thông tiện, sát trùng; lá có tác dụng thanh nhiệt, hóa trệ, giải độc hành ứ; nhựa cây có tác dụng tả hạ trục thuỷ, chống ngứa; nhị hoa có được thanh nhiệt tiêu thũng. Xương rồng 3 chia và xương rồng bẹ là hai loại xương rồng phổ biến nhất, thường được sử dụng để làm thức ăn và chữa bệnh rất hiệu quả.
Nhân dân thường dùng nhựa xương rồng làm thuốc chữa đau bụng, nhưng cần pha chế với vị thuốc khác để đỡ có tác dụng quá mạnh. Dùng ngoài làm thuốc chữa đau răng, làm thuốc sát trùng: Hái cành xương rồng, cạo bỏ gai, đem nướng cho nóng mềm, giã nát, nhặt bỏ xơ, thêm ít muối vào.
Lấy một miếng thuốc trên đặt vào nơi răng đau ngậm chặt lại, nước dãi chảy ra thì nhổ đi, ngậm độ 3-4 lần trong ngày, sau đó súc miệng sạch. Chú ý tránh nuốt nước có thể đi ngoài. Ngoài ra, xương rồng có thể dùng chữa mụn nhọn to, hái lấy cành xương rồng, bổ dọc làm 2 hơ nóng, đang nóng đắp mặt cắt vào chỗ sưng đau, độc sẽ tự tiêu…
Nhựa xương rồng có chất độc, tuyệt đối không được bắn vào mắt. Khi dùng phải thận trọng, nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn cụ thể.
TS Lê Thị Thanh Nhạn
Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam