Hình minh họa
Con bé chừng 12-13 tuổi, trông dáng vẻ rụt rè, chắc là ở quê lên làm giúp việc cho nhà ai đó, thập thò ngoài cửa một lúc nó mới dám hỏi cô bán hàng mua “thuốc caramel”. Cô bán hàng trợn cả mắt lên, hỏi đi hỏi lại xem nó mua cho ai, rồi đoán là nó cần mua kem caramel. Mấy đứa học sinh ngồi ăn sữa chua gần đó khúc khích cười chế nhạo khiến nó ngượng. Đến tội!
Chắc ở quê nó chưa bao giờ được ăn, thậm chí chưa nhìn thấy, nghe thấy cái tên món đồ ăn đó. Tôi nhìn theo bóng nó nhỏ nhoi khuất trong dòng người xa lạ và vội vã, thấy thương quá.
Còn biết bao đứa trẻ phải bỏ học, xa nhà đi ở cho nhà người như nó? Còn bao nhiêu đứa trẻ tưởng caramel là một loại thuốc?
Cách đây 2 năm, chúng tôi có dịp đến một bản người dân tộc ở Gia Lai, cũng gặp những đứa trẻ khi được cho kẹo còn không biết cách bóc, có đứa giữ mãi cái vỏ chai nước ngọt như một món đồ chơi quý báu… Bởi cuộc sống quá khó khăn, cơm còn chẳng đủ ăn, còn phải cởi chuồng, mặc áo rách, đi chân đất, không có tiền để mua sách bút… thì kẹo bánh, nước ngọt đối với chúng quả là xa xỉ.
Nhìn những đôi mắt trẻ thơ thèm thuồng trước que kẹo mút giá 1-2 ngàn đồng, mới biết, hóa ra vẫn còn nhiều người nghèo quá, nhiều đứa bé khổ quá.
Ở thành phố, nhiều khi vào nhà hàng thấy trẻ con gọi món còn sành điệu hơn cả người lớn, món ngon, món mới nào cũng biết. Thỉnh thoảng vào quán cafe lạ, nghe bọn trẻ gọi những mocha, suka, juki… chẳng biết là gì, thấy mình thật lạc hậu.
Rồi sao nọ, sao kia ở Mỹ, ở Hàn thích đồ ăn gì, đồ uống gì vừa thấy trên mạng, hôm sau ở Việt Nam cũng có ngay. Mọi sở thích, nhu cầu của các cô chiêu, cậu ấm đều được đáp ứng liền. Nhìn vậy cứ tưởng là mình đã giàu, đã đầy đủ chẳng kém ai.
Nhưng hãy chịu khó nhìn vào mắt những đứa trẻ 6,7 tuổi đã phải đi bán hàng ở Sa Pa, những đứa bé đánh giày, hay làm giúp việc, bạn sẽ thấy một thế giới khác hoàn toàn. Mới thấy sự chênh lệch về mức sống lớn đến thế nào. Trong khi có những đứa sành điệu với những đồ uống hiệu Starbucks thì vẫn có những đứa chẳng biết caramel là gì.
Chuyện cái bánh, cái kẹo, sành điệu hay “nhà quê”, không đơn giản là chuyện của trẻ con, mà là vấn đề hoàn toàn nghiêm túc của người lớn.
Minh Anh