PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, không chỉ tại Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu tại các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy trong xét nghiệm Covid-19 xuất hiện việc “âm tính giả” hay “dương tính giả”. Có trường hợp test nhanh âm tính vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 và ngược lại test nhanh dương tính nhưng vẫn có thể không mắc Covid-19.
Hiện có 2 phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm Covid-19. Thứ nhất là sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao. Thứ hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày). Kháng thể có được sau khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, bị hệ miễn dịch nhận diện, sinh ra kháng thể chống lại virus.
Trong phương pháp thứ hai có loại test thử nhanh qua mẫu máu, kết quả có được trong 10 - 15 phút và không cần máy móc và hiện đang được Việt Nam sử dụng nhiều. Cần hiểu rằng giá trị của xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-COV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không. Còn kết quả xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể là âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm virus và không lây cho người khác. Bởi có thể người bị nhiễm virus này ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể, xét nghiệm này âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác.
Do vậy việc làm xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ có giá trị để xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus này, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp. Do vậy, những người đi từ vùng dịch về cần được cách ly theo khuyến cáo.