Vissan đóng cửa, chuỗi cung ứng hàng thiết yếu rung chuyển thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Việc Vissan phải tạm ngừng cung ứng thịt lợn cho thị trường TPHCM do công nhân nhà máy nhiễm Covid-19 là dẫn chứng của nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu, khi công nhân phải tập trung đông tại chỗ, nhưng lại không được ưu tiên tiếp cận văcxin.

Mất 1/3 nguồn cung thịt 

Ngày 28/7, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã ngừng giao hàng (chủ yếu là thịt lợn đóng vỉ) tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng. Doanh nghiệp này đồng thời có công văn gửi Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và cơ quan chức năng liên quan tại TPHCM xin ngưng hoạt động trong 3 - 4 tuần, vì xuất hiện các ca nhiễm F0 trong nhà máy sản xuất.

Trước đó, ngày 17/7, công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 20/7, có thêm 20 ca, đều cách ly tại công ty. Đến ngày 23/7, Vissan có 43 ca nhiễm Covid-19. Đến 28/7, Vissan chính thức xin ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Việc Vissan buộc phải ngừng sản xuất tác động mạnh tới cung ứng mặt hàng thịt lợn cho các siêu thị của TPHCM – thị trường đang căng thẳng về các loại mặt hàng thiết yếu do phải cách ly theo Chỉ thị 16. 

Từ khi dịch bệnh diễn ra, Vissan đã tăng công suất giết mổ hằng ngày lên từ 1.000 – 1.500 con lợn, cung cấp 27 - 28% thịt lợn tiêu thụ tại TPHCM khi thực hiện giãn cách xã hội. Đây là là doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt lớn nhất hiện nay của phía Nam.

Ngoài Vissan, trong tổng số 13 cơ sở giết mổ của TPHCM, hiện có 3 cơ sở ngưng hoạt động hẳn, trong đó có các số cơ sở giết mổ quy mô lớn như An Nhơn, Xuyên Á... cũng tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhấn mạnh là, ngoài Vissan, hàng loạt nhà máy tại TPHCM và các tỉnh lân cận đang đối diện nguy cơ đóng cửa vì công nhân bị nhiễm virus Covid-19. Bởi việc tập trung số lượng lớn công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp (KCN) là môi trường lý tưởng để lây lan dịch bệnh. Điều này đã từng diễn ra tại các KCN của Bắc Ninh, Bắc Giang.

Gần nhất, tại Công ty CP gỗ kỹ nghệ Long Việt (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” từ ngày 10/7, đã phát hiện 240/248 công nhân nhiễm Covid-19. Công ty đã phải đóng cửa và cầu cứu hỗ trợ từ cơ quan chức năng. 

Theo đại diện của Masan - công ty sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cũng là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu lớn nhất Việt Nam - chấp hành chỉ đạo của các cơ quan chức năng, hệ thống của doanh nghiệp này đã tăng công suất gấp 3 lần từ nhiều tháng, tới ngưỡng tối đa của hệ thống.

Tập đoàn đã đề nghị ưu tiên tiêm văcxin cho nhân viên trong hệ thống bán lẻ Vinmart và công nhân tại các nhà máy tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để đảm bảo không có gián đoạn nào trong bán lẻ và sản xuất - đại diện Masan cho biết đã có văn bản với nội dung kiến nghị như vậy. 

Chuỗi cung ứng hàng thiết yếu rung chuyển

"Gián đoạn trong các khâu bán lẻ và sản xuất" mà đại diện Masan này nhắc tới là thực tế đang diễn ra. Và khống chế mức độ của nó bằng cách duy trì năng lực sản xuất và cung ứng, cũng là vấn đề các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang vật lộn giải quyết.  

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng mạnh. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất đều đã nâng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Tại Vissan, từ 28/6, công ty này đã tập trung 1.300 công nhân, thực hiện phương án "3 tại chỗ" gồm: Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ để đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân và bảo đảm đời sống công nhân, người lao động.

Masan cho biết cũng đã phải duy trì đội ngũ gần 40.000 công nhân sản xuất liên tục trong tháng qua để đảm bảo cung ứng chuỗi hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy. 

Tuy nhiên, việc tập trung đông người cũng là môi trường lý tưởng để virus lây lan. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng công nhân bỏ việc do sợ nhiễm Covid-19. Đặc biệt, khi doanh nghiệp có nhiều nhà máy trong vùng dịch và nhân viên bán lẻ phải thường xuyên tiếp xúc khách hàng, nguy cơ này cao hơn hẳn.

Trường hợp đóng cửa nhà máy, hoặc nhân viên nghỉ việc hàng loạt do sợ lây nhiễm, doanh nghiệp chắc chắn không thể đảm bảo được cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch lan rộng, diễn biến khó lường như hiện nay.

Sản xuất và cung ứng hiện đã ở trạng thái căng thẳng cao nhất và doanh nghiệp hiện không còn phương án dự phòng trong trường hợp này - đại diện Masan và một số doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu cho biết khi trả lời phóng viên KH&ĐS. 

Giải pháp duy nhất hiện nay chống đổ vỡ chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu là nhanh chóng tiêm văcxin cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp trong ngành này. Nhưng trong Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm văcxin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, công nhân tại nhiều doanh nghiệp ngành này không nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm phòng.

Theo đại diện Masan, tập đoàn này đã đề nghị được tự bỏ tiền tiếp cận nguồn văcxin, hoặc thuê tiêm dịch vụ cho công nhân… để đảm bảo sản xuất, nhưng được trả lời là cứ... chờ đã. Đồng nghĩa, công nhân trong các nhà máy sản xuất vẫn đang đối diện với nguy cơ bị lây nhiễm như tại Vissan. Hiện chỉ có 6.500/40.000 nhân sự của tập đoàn này được tiêm 1 mũi văcxin.

Việc Vissan và một số nhà cung cấp thực phẩm tươi sống dừng hoạt động thực tế đã khiến nguồn cung thực phẩm chủ chốt khu vực phía Nam hao hụt tới khoảng 35 - 40%, đây là ngưỡng đủ để có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng thực phẩm ở phía Nam. Tác động của thiếu hụt nguồn cung thịt tới giá cả và thị trường sẽ rõ trong vài ngày tới.

Vấn đề đặt ra, nếu không may có thêm doanh nghiệp khác trong ngành hàng thiết yếu như Masan, Sài Gòn Food, Acecook Việt Nam... buộc phải đóng cửa vì không còn nguồn cung nguyên liệu, hay có trường hợp bị nhiễm bệnh... thì chuỗi cung ứng hàng thiết yếu - vốn dĩ đang căng thẳng - đã có nguy cơ cao bị đứt gãy.

Nguồn cung hàng tiêu dùng thiết yếu đứt gãy không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp, mà sẽ tác động tiêu cực lập tức tới nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, xã hội. 

Đáng chú ý, hiện vẫn có một lượng nhỏ nhân lực tại các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu được tiêm văcxin. Tức là, văcxin vẫn có và doanh nghiệp vẫn tiếp cận được, nhưng tiếp cận để đủ duy trì sản xuất hay không, thì lại phụ thuộc vào quan điểm của Bộ Y tế đồng ý, hay cứ... chờ đã.

Theo Đời sống
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top