Viêm xoang từ cấp tính chuyển thành mãn tính
Xoang là những hốc nằm trong xương sọ, được lót bởi niêm mạc hô hấp và đảm nhiệm hai chức năng chính là dẫn lưu không khí và dịch. Xoang rất dễ bị viêm nhiễm khi có bất kỳ điều gì cản trở luồng không khí vào xoang mũi.
Nếu niêm mạc xoang bị sưng do cảm lạnh, cảm cúm hoặc do niêm mạc mũi bị viêm vì tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất, nước ô nhiễm, không khí lạnh… sẽ khiến cho các lỗ thông xoang bị tắc nghẽn, dịch nhầy ứ đọng. Lúc này, các xoang trở thành nơi lý tưởng cho các loại nấm, vi khuẩn phát triển và tấn công niêm mạc, gây ra viêm mũi xoang.
Nếu quá trình viêm xuất hiện trên niêm mạc trước đây hoàn toàn khỏe mạnh thì được gọi là viêm mũi xoang cấp tính. Trong trường hợp tình trạng viêm niêm mạc này kéo dài trên 12 tuần, lúc này viêm xoang chuyển sang mãn tính.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, viêm xoang thường do vi khuẩn gây ra. Xung quanh ta và trong mũi xoang có nhiều vi khuẩn nhưng đa phần không gây bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi như niêm mạc xoang bị tắc, bị viêm nhiễm do virus… thì các vi khuẩn này bắt đầu hoạt động và gây bệnh. Viêm mũi xoang hay gặp ở người có cơ địa dị ứng với phấn hoa, hóa chất, người hay bị mề đay, chàm, tổ đỉa, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng kéo dài…
Đối với trẻ em và người lớn có sức đề kháng kém, mắc bệnh đường hô hấp mạn tính kéo dài như viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản… rất dễ bị viêm xoang. Những người sinh hoạt trong điều kiện nhà cửa chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, chịu nhiều tác động của khói bụi, khói thuốc, khói than đều có thể bị viêm xoang.
Nhiều người mắc viêm xoang do dị hình ở vách ngăn mũi, do hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Những người bị suy nhược toàn thân, rối loạn nội tiết như tiểu đường, rối loạn về vận mạch, rối loạn về nước và điện giải thường dễ bị viêm xoang.
Viêm xoang có chữa khỏi được không?
Viêm xoang cấp do virus có thể tự khỏi trong 7 - 10 ngày. Người bệnh chỉ cần rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên và không cần dùng thuốc. Trường hợp viêm xoang cấp do vi khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng kháng sinh cho người bệnh. Với trường hợp viêm xoang mãn tính, hầu hết là điều trị bảo tồn theo cách: điều trị tấn công khi bệnh rộ và điều trị dự phòng khi bệnh khỏi. Phẫu thuật chỉ dùng trong một số ít trường hợp.
Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ, loại viêm xoang, người bệnh vẫn phải sử dụng thuốc trong một khoảng thời gian nhất định theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau mỗi đợt dùng thuốc hoặc phẫu thuật, người bệnh viêm xoang được tư vấn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với lạnh, bụi, hoá chất độc hại, điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng, điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp, nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang.
Viêm xoang ưu tiên nhất là điều trị nội khoa, phẫu thuật là biện pháp cuối cùng. Nếu viêm xoang nặng, ứ mủ bên trong, sốt, đau đớn phải xử lý bằng Tây y như hút mủ, xịt thuốc kết hợp điều trị toàn thân. Phẫu thuật chỉ áp dụng khi viêm xoang mãn tính, bị tắc nghẽn những lỗ thông mũi xoang do thịt dư, do cấu trúc bất thường của xoang, do vẹo vách ngăn, polyp mũi, các lỗ thông mũi xoang quá nhỏ, nấm xoang...
Nếu viêm xoang do nấm, bị tắc nghẽn cơ học của mũi xoang mà không mổ sẽ làm cho bệnh tích ngày càng nặng, dễ có biến chứng viêm tấy ở mắt, giảm thị lực, ápxe quanh ổ mắt, mù mắt, viêm màng não...
Chỉ định mổ phải được bác sĩ hết sức cân nhắc, chỉ mổ để phòng tránh biến chứng vì nếu mổ xoang sớm sẽ phá vỡ hệ thống cấu trúc giải phẫu vốn đang tương đối bình thường của hệ thống mũi xoang, ảnh hưởng chức năng sinh lý của mũi. Sau khi phẫu thuật không phải bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, ngược lại bệnh sẽ tái phát khi có yếu tố thuận lợi.