Tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đang là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua. Đây là tác nhân gây ra cả trăm vụ ngộ độc thực phẩm với hàng nghìn trường hợp bị ngộ độc mỗi năm trên cả nước.
Thực phẩm bẩn gây ra ngộ độc đôi khi xuất phát từ vô tình nhưng cũng đôi khi "hữu ý", đáng tiếc nhất chính là những người chế thực phẩm cho bản thân sử dụng mà không hề hay biết.
Theo thống kê của Ban quản lý An toàn TP.HCM, từ năm 2010 đến tháng 11.2018 này, toàn TP.HCM xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật có 33 vụ, chiếm 66%. Ngộ độc do độc tố có 14 vụ, chiếm 26%. Ngộ độc do hóa chất 2 vụ, chiếm 4%. Ngoài ra, ngô độckhông xác định nguyên nhân có 2 vụ, chiếm 4%.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số 33 vụ ngộ độc do nhiễm vi sinh vật nói trên, có đến 14 vụ do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), chiếm 42%.
Theo các chuyên gia y tế vi khuẩn tụ cầu vàng dễ xuất hiện ở thực phẩm giàu chất đạm, chất béo (thịt gia súc, gia cầm, cá) hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, hoặc có nhiều tinh bột và được bảo quản ở nhiệt độ không đảm bảo.
Ngoài việc tụ cầu vàng lây nhiễm vào trong thực phẩm do không được che đậy, bảo quản cẩn thận, để thực phẩm sống, chín lẫn lộn... thì những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay khi tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm rất dễ gây thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.
“Tụ cầu vàng là vi khuẩn hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Cho nên, những trường hợp người bị viêm họng hay có mụn ở tay khi chế biến thực phẩm thì vi khuẩn tụ cầu vàng ở trên dạ và niêm mạc có điều kiện xâm nhập vào trong thực phẩm, khiến thực phẩm bị nhiễm vi khẩn tụ cầu vàng”, một chuyên gia y tế giải thích.
Phân tích của các chuyên gia y tế cho thấy vi khẩn tụ cầu vàng khi nhiễm vào thực phẩm 4 - 5 giờ sẽ sản sinh ra ngoại độc tố. Độc tố này không bị men tiêu hóa phá hủy. Khi người sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố của tụ cầu vàng, độc tố này nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột rồi vào máu dẫn đến các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chóng mặt.
Điều đáng nói là độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng có tính chịu nhiệt rất cao (ở 100 độ C phải cần 1-2 giờ mới phá hủy), nhiệt độ thấp độc tố của tụ cầu vàng có thể duy trì được tính độc trên 2 thán, và độc tố này không làm thay đổi mùi vị của thức ăn.
Trước thực tế trên, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo tuyệt đối không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm.
Bên cạnh đó, người dân cần chọn thực phẩm an toàn, tươi, sạch, ăn chín, uống sôi. Thực phẩm phải được ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng. Thức ăn cần được ăn ngay khi vừa được nấu chín, che đậy bảo quản cẩn thận sau khi nấu chín, đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng.
Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín. Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn...