Bệnh nhẹ nhưng biến chứng nguy hiểm
Viêm xoang mũi là một bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam, chiếm từ 15 - 20% dân số. Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm ở một hoặc nhiều khoang rỗng nằm trong khối xương mặt có liên quan chặt chẽ đến hốc mũi. Xoang mặt gồm 5 đôi, nằm chung quanh hốc mũi, chia làm hai nhóm: Nhóm xoang trước: Xoang trán, xoang hàm và xoang sàng trước; Nhóm xoang sau: Xoang sàng sau và xoang bướm.
Viêm nhiễm ít khi xảy ra ở một xoang, thường viêm một số xoang. Bình thường, những chất xuất tiết sinh lý hoặc bệnh lý trong xoang được tháo ra ngoài thông qua lỗ thông mũi xoang. Khi ta bị cảm cúm, các xoang trở nên viêm tắc, phù nề và ngăn trở khả năng thông tháo dịch nhầy ra mũi.
Điều này dẫn đến sung huyết mạch máu xoang và nhiễm trùng xoang. Do đó, cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng kéo dài nếu không được điều trị thích hợp sẽ dễ dẫn đến viêm xoang, nhất là những trường hợp mũi có cấu tạo bất thường.
Nếu bệnh nhân bị bệnh viêm xoang không được điều trị đúng mức có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính hay lao phổi giả do mủ từ xoang viêm chảy xuống họng. Bệnh nhân có ho, khạc đờm đôi khi lẫn máu, sốt nhẹ về chiều…; viêm họng mạn: rát họng, vướng họng, thường phải nuốt liên tục nên đôi khi có cảm giác nghẹn thở; viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu: có thể do viêm xoang cấp hay mạn.
Mắt bị mờ, thị lực giảm rất nhanh; viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ; viêm xương sọ; viêm màng não: bệnh nhân nhức đầu, cứng gáy, nôn…; viêm tắc tĩnh mạch hang: sốt cao, rét run, nhức đầu, cứng gáy, lồi mắt, dãn tĩnh mạch vùng trán và mí mắt…; thậm chí bị áp xe não, viêm não…
Day huyệt giúp phòng chống bệnh
Hai dấu hiệu chủ yếu của viêm xoang là đau nhức và tăng tiết dịch mũi. Nhức đầu, căng nặng đầu từng cơn hoặc thường xuyên xảy ra ở vùng xoang bị viêm. Dịch tiết chạy xuống họng hoặc ra mũi. Dịch mũi thường đặc, vàng hoặc xanh, đôi khi có cả máu, chứ không trong và loãng như dịch mũi ở chứng cảm cúm thông thường.
Đau là triệu chứng thường gặp nhất của viêm xoang. Tùy thuộc vị trí xoang bị viêm mà vị trí thay đổi: Đau vùng trán, đau vùng má hay hàm trên, hàm dưới, đau sau hốc mắt, đau ở đỉnh đầu, đau sau gáy cổ, đau cứng cổ, mỏi bả vai. Bệnh nhân thường bị nghẹt mũi, chất tiết mũi trở nên đặc, đục xanh, hôi tanh, ho suyễn vì nước mũi chảy xuống họng ngứa viêm. Tùy theo tình trạng viêm và mức độ mà người bệnh có thể sốt, nghẹt mũi, nhảy mũi, đau nhức căng tức, mệt mỏi, đau răng, ngủ không yên giấc…
Điều trị:
- Dùng ngón tay cái và trỏ, ấn 2 bên cánh mũi, từ dưới lên trên và chuyển từ từ. Mỗi lần ấn, đếm đến 3 thì thả ra, làm 5 lần.
- Ngồi thẳng đầu, đặt các ngón tay vào mũi, ấn vào mỗi bên 5 lần.
- Dùng ngón tay trỏ ấn vào vùng Thái dương, tìm điểm đau, ấn cho đến khi hết đau.
- Ấn vào vùng giữa hàm và chỗ lõm hàm dưới dái tai (huyệt Ế phong) trong bệnh xoang mũi, vùng này thường trở nên rất đau, ấn nhẹ 3 lần, mạnh hơn ấn bình thường.
- Dựa lưng vào tường hoặc khung cửa, đưa chân ra trước cho lưng cấn vào phía sau, ấn lưng vào tường tìm điểm đau ở 2 bên cột sống. Vùng nào đau nhiều, ấn kỹ cho đến khi hết đau.
Ly Hoàng Duy Tân (Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông Y Đồng Nai)