Viêm họng có 2 nguyên nhân chủ yếu: do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng. Viêm họng không nhiễm trùng là do các chất kích thích như chất gây ô nhiễm hay hóa chất xâm nhiễm vào đường hô hấp và làm hầu họng bị viêm. Nhiễm trùng là tình trạng cơ thể bị mầm bệnh xâm nhiễm gây viêm nhiễm, mầm bệnh đó có nhiều loại: vi khuẩn, siêu vi còn gọi virút, vi nấm, ký sinh trùng…
Phần lớn các trường hợp viêm họng nhiễm trùng là do virút gây ra (có thể chiếm 80% trường hợp), phần còn lại là do vi khuẩn, vi nấm. Viêm họng có thể đi kèm với ho và sốt, ví dụ như trong trường hợp nguyên nhân của nó là nhiễm trùng phần trên của đường. Viêm họng vó thể do các loại khác nhau vi khuẩn gây ra như: tụ cầu, liên cầu trong đó có liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A gây nhiều biến chứng nguy hiểm, lậu cầu trùng… Còn viêm họng do virút, thường do các virút: rhinovirus, coronavirus, parainfluenza virus, virút cúm A và cúm B, adenovirus, virút Epstein-Barr (EBV), herpes simplex (HPV). Viêm họng do virút thường kèm theo triệu chứng: ho, sổ mũi, hắt hơi, khàn tiếng…
Dùng kháng sinh
Kháng sinh (KS) được định nghĩa là những chất có nguồn gốc sinh học, bán tổng hợp hoặc tổng hợp, với liều điều trị có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh là vi khuẩn. Như vậy, KS chỉ được dùng để điều trị các bệnh gọi là nhiễm khuẩn, tức các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Để đạt được hiệu quả cao nhất, việc dùng KS phải được thực hiện bởi bác sĩ điều trị. Bởi vì chỉ có bác sĩ qua thăm khám lâm sàng tức khám trực tiếp bệnh nhân, thậm chí có khi phải cho làm xét nghiệm mới xác định được bệnh nhân bị bệnh nhiễm khuẩn. Sau đó, bác sĩ phải lựa chọn đúng KS (trong bệnh viện, có khi phải làm xét nghiệm vi khuẩn học bệnh phẩm, kháng sinh đồ để chọn KS thích hợp nhất). Vì vậy, việc người bệnh tự ý dùng KS là hoàn toàn không nên.
Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lạm dụng, dùng KS không đúng chính là trẻ con
Đặc biệt lưu ý, KS chỉ có tác dụng trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là khuẩn, cho nên cứ viêm họng chưa biết do gì mà tùy tiện sử dụng KS là lạm dụng, đôi khi gây bất lợi, không phải lúc nào KS cũng là lựa chọn tối ưu cho bệnh viêm họng. Nguyên tắc điều trị là phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh, Chỉ dùng KS trong trường hợp bác sĩ xác định được vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh và lựa chọn KS để điều trị phải phù hợp với tuổi, tình trạng bệnh và tính chất dược động học của KS.
Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lạm dụng, dùng KS không đúng chính là trẻ con. Đối với trẻ, do các cơ quan liên quan đến việc hấp thu thuốc, chuyển hóa và đào thải thuốc chưa phát triển hoàn chỉnh, khả năng gây tai biến ở trẻ so với người lớn càng tăng lên gấp bội. Đó là lý do phải luôn luôn xem trẻ con là đối tượng đặc biệt, phải rất thận trọng khi cho trẻ dùng KS.
Để tránh tai biến cho trẻ khi dùng KS, các bậc cha mẹ không tự tiện mua KS cho trẻ dùng mà nên dành quyền chỉ định KS cho bác sĩ. Tức là nếu nghi ngờ trẻ bị viêm họng nhiễm khuẩn thì nên đưa trẻ đến bác sĩ khám và chỉ định thuốc vì chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán được trẻ đúng là bị bệnh nhiễm khuẩn, biết rõ cách dùng KS đúng: đúng thuốc, đúng cách, đủ liều, đủ thời gian.
Viêm họng và lạm dụng kháng sinhNếu nghi ngờ trẻ bị viêm họng nhiễm khuẩn thì nên đưa trẻ đến bác sĩ khám và chỉ định thuốc
Cũng cần lưu ý, nguy hại của việc dùng tùy tiện, bừa bãi KS là tạo đề kháng KS hay “lờn thuốc KS”. Đề kháng KS là với liều dùng thông thường, KS bị lờn chẳng có tác dụng gì đối với vi khuẩn mà trước đây nó tỏ ra rất hiệu quả. Người ta ghi nhận chính việc sử dụng KS bừa bãi, không đúng cách không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với KS, số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà KS đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chúng nữa.
Khi viêm họng nên làm gì?
Nếu chỉ đau rát do viêm họng, chỉ cần dùng các thuốc giảm đau như paracetamol kết hợp với vitamin C (nâng cao sức đề kháng cơ thể), có thể ngậm ở miệng men kháng viêm tại chỗ như alphachymotrypsin. Cần tăng cường ăn hoa quả, uống nhiều nước. Thường bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 -, bạn có thể pha 1 muỗng cà phê muối vào nửa (1/2) chén nước ấm và súc miệng trong 30 giây (hoặc mua ở nhà thuốc dung dịch sát khuẩn về xúc miệng). Thông thường, viêm họng (do phần lớn nguyên nhân là siêu vi) sẽ khỏi, triệu chứng đau họng sẽ hết trong vòng 5 – 7 ngày.
Để giảm đau họng, bạn cũng có thể theo cách sau. Hãy pha một tách trà nóng và cho vào 1 thìa cà phê mật ong, thêm nửa quả chanh vắt rồi uống. Hoặc ngậm một tép tỏi sống đâm hơi nát, trong khoảng 5 – 10 phút khi thấy cổ họng có cảm giác đau ngứa. Tỏi có chứa allicin có tác dụng kháng sinh mạnh, giúp tiêu diệt phần nào virút và vi khuẩn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Áp dụng các phương cách trên trong vài ngày mà không đỡ, hoặc bạn nghi ngờ mình bị viêm họng nhiễm khuẩn thì nên đi đến bác sĩ để khám và chữa trị. Trẻ con bị đau họng kèm ho, sốt thì đưa đến khám bác sĩ ngay. Không nên tự ý mua KS về sử dụng vì có thể sử dụng không đúng thuốc, không đúng cách dùng cũng như thời gian uống mà chỉ có bác sĩ mới kê đơn dùng đúng.
Theo PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC – SKĐS