Từ vụ mất mạng vì hút trà sữa trân châu, bác sỹ nói thêm về những cái chết oan vì bị sặc

Lâu nay phụ huynh vẫn coi thạch, trân châu là món ăn ngon và vô hại của trẻ. Mới đây, trường hợp bé 11 tuổi tử vong vì hóc hạt trân châu đã khiến không ít người giật mình. Thực tế, đây không phải là vụ tai nạn chết người đầu tiên do hóc, sặc thạch rau câu, hạt trân châu…

Tử vong thương tâm từ thạch rau câu, trà sữa

Sự việc xảy ra khi hai mẹ con cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Lúc uống trà sữa, khi thấy có hạt trân châu kẹt trong ống nên bé đã hút mạnh. Lúc này, hạt trân châu đã bay thẳng vào họng, làm tắc đường thở của bé. Người mẹ đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich, tuy nhiên tất cả đều vô tác dụng. Khi đưa tới bệnh viện, bé đã tử vong.

Lâu nay phụ huynh vẫn coi thạch, trân châu là món ăn ngon và vô hại của trẻ. Thực tế, đây không phải là vụ tai nạn chết người đầu tiên do thạch, trà sữa trân châu gây ra. Cách đây không lâu, bé trai 5 tuổi tại TP HCM được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở khi ăn thạch rau câu nhưng bé mút mạnh quá khiến bị sặc. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé vẫn không qua khỏi. Và còn rất rất nhiều cái chết thương tâm từ thạch rau câu, trà sữa.

trà sữa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, trẻ có thể bị nguy hiểm tới tính mạng khi bị hóc bất cứ dị vật nào. Khi ăn uống thạch rau câu, trà sữa trân châu thường có khuynh hướng phải mút mạnh để đưa thực phẩm vào miệng nên làm tăng nguy cơ đẩy thực phẩm lọt qua đường thở dẫn tới ngạt. Nếu không xử lý kịp thời, đúng cách thì trẻ rất dễ rơi vào tình trạng nguy kịch.

Với các dị vật như hạt lạc, hạt đỗ… các bác sỹ chỉ cần nội soi và gắp dị vật và ít khi bị chèn vào khí quản. Hoặc như sặc cháo, bột hay các thức ăn lỏng chỉ cần hút là dị vật có thể thoát ra ngoài. Nhưng những vật thể tròn, trơn, nhẵn như thạch rau câu, trân châu khi rơi xuống thanh quản thì càng khít và gây nghẹt thở càng nhanh.

Khả năng cứu sống rất khó do vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc, hút dị vật, nhất là khi thạch bị nhai nát thành nhiều miếng nhỏ. Bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức.

Thận trọng khi cho trẻ ăn

PGS.TS Dũng khuyến cáo, các gia đình không nên cho trẻ ăn quá nhiều thạch vì chúng không có giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là những cháu dưới 2 tuổi bởi phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch bóp vào miệng mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc…

Không được cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm xuống trong khi ăn. Khi ăn trà sữa trân châu cũng nên cho trẻ múc hạt bằng muỗng chứ không nên dùng ống hút lớn. Trẻ thường nghịch và hút mạnh dễ bị sặc. Các cửa hàng bán hàng trà sữa trân châu nên chọn ống hút nhỏ hoặc không dùng ống hút.

Khi trẻ bị hóc dị vật cần tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng vì điều này dễ đẩy dị vật vào sâu hơn. Việc móc họng hay dùng vật cứng móc, ngoáy họng sẽ làm trầy xước gây nên những tai biến như viêm thanh quản, viêm tấy có mủ…

Nạn nhân cần được sơ cứu bằng cách dùng các thủ thuật vỗ lưng ấn ngực hoặc dùng thủ thuật Heimlich cấp cứu dị vật đường thở (từ phía sau ôm ngang ngực ấn mạnh để tống dị vật ra ngoài), mục đích làm tăng áp lực trong đường thở một cách đột ngột để tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ ngưng tim ngưng thở, phải hà hơi thổi ngạt và ấn tim để hồi sức tim phổi liên tục và sau đó phải đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, khi uống trà sữa, bạn nên chọn các cửa hàng uy tín, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ. Trà sữa chân châu không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn mối nguy ngộ độc. Đã có không ít trường hợp người nổi mẩn, ngộ độc phải nhập viện sau khi uống trà sữa.

Triệu chứng dễ nhận thấy là đau bụng và tiêu chảy, nôn… Nạn nhân có thể kèm theo chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều lần, nạn nhân dễ rơi vào hiện tượng mất nước và chất điện giải, có thể nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời.

Nhiều người còn nghĩ rằng uống trà sữa thay bữa ăn. Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện y học ứng dụng cho hay, bất cứ sản phẩm nào nếu lạm dụng sử dụng quá nhiều đều gây hại đáng kể cho sức khỏe.

Việc uống trà sữa thay bữa ăn càng nguy hiểm hơn. Cơ thể dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Trà sữa được xếp vào thực phẩm giàu năng lượng và đường. Một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal, đường có thể lên tới 50g. Nếu người ít vận động, làm việc thụ động ngồi một chỗ uống nhiều hơn 1 ly trà sữa/ngày có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Do vậy, mọi người nên hạn chế uống trà sữa, đặc biệt là những người mắc chứng bệnh béo phì, tiểu đường, những người thiếu dinh dưỡng. Trẻ nhỏ đang phát triển cần nhiều dinh dưỡng mà uống trà sữa thay bữa ăn có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể.

Theo Phương Thuận – Giadinh.net

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top