Thông tin về món khoái khẩu trà sữa “có vấn đề” khiến nhiều người phải quan tâm.
Ngày 14/4 vừa qua, một tài khoản mạng xã hội tên là Tr. V. cho biết, sau khi uống trà sữa của thương hiệu ToCo ToCo, đã có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm.
Chủ tài khoản này liền viết “status” (dòng trạng thái) để chia sẻ sự việc lên Diễn đàn mạng xã hội, với mục đích cảnh báo cho nhiều người khác, với nội dung:
“Có chị nào từng bị ngộ độc trà sữa ToCo ToCo chưa ạ, em uống xong đi vệ sinh rồi đau đầu, buồn nôn chóng mặt, kéo dài đúng 1 tuần. Nên up để cảnh báo cho các chị đừng uống”.
Ngay sau khi dòng trạng thái được đăng, đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của nhiều người. Chỉ hơn một ngày, đã có gần 500 lượt comment (bình luận).
Phóng viên Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã liên lạc với chủ tài khoản Tr.V. nói trên, để tìm hiểu sự việc. Theo chị Tr.V., trà sữa do em gái mua về cho, nên bản thân chị cũng không biết chính xác là mua tại cửa hàng nào. Nhưng chị Tr.V. khẳng định: “Trà em uống dẫn đến tình trạng trên là của thương hiệu ToCo ToCo”.
Theo dòng trạng thái của chủ status trên, nhiều tài khoản chia sẻ về những triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đưa ra những lời khuyên nhủ, cảnh báo và “bóc phốt” các thương hiệu trà sữa nổi tiếng, trong đó có thương hiệu ToCo ToCo.
Một chủ tài khoản cho biết đã từng là nhân viên quán trà sữa cũng không dám uống vì nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng.
“Ôi toco uống hay bị nôn nao lắm, lần nào mình uống cũng thế. Tim đập mạnh, tẩy chay trà sữa đi các mẹ”, tài khoản có tên là Jenny Le đưa ra lời kêu gọi.
Còn nick name Thao Lee thì bức xúc: “Toco là tệ nhất trong các hãng trà sữa, nhiều phốt nhất hay sao ấy. Năm kia bắt được cả tấn nguyên liệu quá date”.
Rất nhiều người có chung nhận định: “Chưa bao giờ thấy ToCo Toco ngon, 1 lần và mãi mãi”, “cái nguyên liệu ấy mình nghĩ toàn hóa chất là chính”, “ToCo bị nhiều phốt rồi, nó hay có chương trình 1 tặng 1. Em uống 1 lần rồi cạch luôn”…
Chủ tài khoản có nick name Cuong Tien Ng. cho biết, đã từng có thời gian làm tại cửa hàng trà sữa thì đưa ra cảnh báo: “Thông báo nhé, ngày xưa đã từng làm ở quán trà sữa toàn thứ không bổ béo gì đâu, nguồn gốc không rõ ràng nó cứ nhập về pha theo công thức riêng, nó là sản phẩm hóa học chứ không phải tự nhiên, cứ uống đi rồi có ngày gặp tổ tiên sớm. Làm ở quán mà chưa 1 lần dám thử và uống nhé”.
Trước đó, thương hiệu trà sữa TocoToco đã từng dính tai tiếng, liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu làm trà sữa có nguồn gốc không rõ ràng. Cụ thể:
Thương hiệu trà sữa nổi tiếng này đã từng bị cơ quan chức năng xử lý vì sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Ngày 15/12/2016, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TACO Việt Nam (tại ngõ 780 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phát hiện hàng chục lon nguyên liệu trà sữa không có hóa đơn chứng từ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là bà Trương Thị Thanh Huyền (hộ khẩu thường trú tại 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ của toàn bộ lô hàng, ước tính số lượng lên tới 2,1 tấn.
Tại kho hàng 780 Minh Khai, cơ quan chức năng phát hiện hơn 73 hộp sắt, chứa nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó 40 hộp sắt không nhãn mác, một số bao bì in chữ Trung Quốc và 33 hộp sắt được dán nhãn mác thương hiệu TocoToco.
Được biết, Công ty TNHH TM và DV Taco thành lập ngày 12/11/2013 với một chuỗi các chi nhánh trà sữa với thương hiệu TocoToco. Hiện nay, TocoToco đã có gần 30 chi nhánh nằm trên những địa điểm đẹp nhất Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung.
Liên quan đến các nguyên liệu làm trà sữa chân trâu, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở tàng trữ, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình, ngày 19/1 vừa qua, qua kiểm tra cửa hàng trà sữa Ding Tea (địa chỉ số 80 – 82, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), cơ quan chức năng phát hiện lô hàng nguyên liệu hạt trân châu không rõ nguồn gốc. Lô hàng này sau đó đã bị niêm phong để làm rõ nguồn gốc.
Tối 26/12/2017, Đội QLTT số 1, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) cho biết, đơn vị này đang tạm giữ 4 tấn phụ gia gồm trà sữa, trân châu, siro… không rõ nguồn gốc, trị giá khoảng 600 – 700 triệu đồng đang chuẩn bị được lưu chuyển vào Đà Nẵng.
Theo VietQ