Hỏi: Tôi có thể tự lắp hệ thống quan trắc chất lượng không khí trong khu vực sinh sống của mình không?
Phạm Hoàng Nam (Thái Nguyên)
Anh Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc D&L, sở hữu ứng dụng quan trắc không khí PAM Air: Bạn hoàn toàn có thể tự lắp được. Vấn đề ở Việt Nam là chúng ta thiếu thông tin về hiện trạng chất lượng không khí: phần lớn các tỉnh, thành phố chưa có trạm quan trắc tự động do chi phí đầu tư và vận hành lớn (khoảng 5 đến 10 tỉ đồng đầu tư ban đầu và 1 tỉ đồng chi phí vận hành hằng năm).
Dự án PAM Air đi theo hướng xã hội hóa, đóng vai trò làm nền tảng để tất cả người dân và cộng đồng có thể cùng chung tay tạo dựng mạng lưới điểm đo chất lượng không khí toàn Việt Nam. Chẳng hạn, tổ chức/ cá nhân có thể hỗ trợ địa điểm cho PAM Air đặt thiết bị. Nếu họ không có kinh phí để mua thiết bị thì chúng tôi sẽ tập hợp thành danh sách và sẽ triển khai lắp đặt theo các vị trí ưu tiên (ví dụ tại những nơi vùng sâu, vũng xa có điều kiện kinh tế khó khăn) sau khi tìm được nguồn tài trợ mua thiết bị tương ứng. Ngược lại, với các nhà tài trợ mua một hoặc nhiều thiết bị, PAM Air sẽ tìm kiếm vị trí lắp đặt cho các thiết bị đó.
Thiết bị cảm biến rất nhỏ gọn (10 x 10 x 5 cm) và có thể lắp đặt tại bất kỳ đâu, chỉ cần vị trí lắp đặt là ngoài trời, thoáng khí không bị che chắn xung quanh và có độ cao lý tưởng từ 3-30m so với mặt đất. Giá thiết bị tầm 5 triệu đồng bao gồm lắp đặt, 1 năm bảo hành, bảo trì. Kỹ sư hoặc đối tác được ủy quyền của PAM Air sẽ trực tiếp thực hiện các công việc trên. Thiết bị sẽ tiêu thụ khoảng 50.000đ tiền điện năng/năm và sử dụng ổ cắm bình thường.
Chu trình vận hành theo thời gian thực của hệ thống PAM Air: Thiết bị cảm biến hút không khí vào buồng đo, buồng đo phân tích bằng công nghệ tán xạ ánh sáng và gửi dữ liệu đo theo thời gian thực (bằng 3G) về trung tâm dữ liệu. Tại đây hệ thống quản trị lọc các dữ liệu bất thường, tính toán và xử lý và tính ra AQI và các chỉ số liên quan. Người dùng có thể truy cập miễn phí các dữ liệu này thông qua trang web hoặc app PAM Air.
Phong Lâm