Hỏi: Sắp có nhật thực ở Việt Nam, quan sát như thế nào là an toàn nhất?
Hoàng Thu Trang (Hà Nội)
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam: Vào 26/12/2019, tất cả mọi nơi ở Việt Nam sẽ được quan sát hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập niên. Đây là nhật thực hình khuyên và tại Việt Nam sẽ quan sát được một phần của nhật thực. Nhật thực sáng 26/12 sẽ đạt cực đại vào lúc 12:17 trưa, ở từng nơi khác nhau sẽ quan sát được phần Mặt Trời bị che khuất khác nhau. Sự kiện kết thúc lúc 14:00. Nhật thực hình khuyên đem lại hình ảnh quan sát đẹp nhất trong các kiểu nhật thực.
Vì quan sát nhật thực cũng chính là nhìn trực tiếp vào Mặt Trời, thế nên người xem cần phải đảm bảo quan sát một cách an toàn, tránh để ánh sáng Mặt Trời lọt vào mắt dẫn đến hoa mắt, mù tạm thời hay thậm chí là mù lòa vĩnh viễn. Ngoài mua các tấm lọc, kính lọc chuyên dụng, ta còn có thể “tự chế” dụng cụ quan sát nhật thực như sau: Pha mực đen vào một chậu nước, đặt dưới mặt đất để hứng hình ảnh Mặt Trời trong chậu nước. Mực pha phải đảm bảo độ đen để quan sát không bị chói và hình ảnh thu được rõ ràng. Bạn cũng có thể sử dụng một tấm kính để tăng độ phản xạ. Hoặc có thể tạo một lỗ thủng nhỏ khoảng 1mm trên một tấm bìa cứng hoặc một miếng thiếc, cho ánh nắng xuyên qua và quan sát ảnh của Mặt Trời xuyên qua lỗ thủng lên 1 tấm giấy trắng đặt ở dưới.
Bạn có thể ngắm nhật thực qua kính thợ hàn loại số 14 trở lên, đĩa mềm máy tính không bị trầy xước (gấp 2 hoặc 3 lớp có thể sử dụng tương đối an toàn nhưng cho chất lượng ảnh không quá tốt). Ngoài ra, các CLB thiên văn học tại các thành phố lớn ở Việt Nam có tổ chức quan sát nhật thực, đây là những buổi quan sát cộng đồng và hoàn toàn miễn phí, bạn có thể đến để được quan sát nhật thực an toàn qua các thiết bị chuyên dụng.
Bảo Châu