Một tiết học online chỉ còn 30 phút
Bắt đầu từ hôm nay, 1/11, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) học theo thời khóa biểu online mới, vừa được nhà trường điều chỉnh.
Theo đó, thời gian một tiết học online sẽ chỉ còn 30 phút (thay cho 45 phút như thời khóa biểu cũ), và học sinh chỉ học vào buổi sáng.
Trao đổi với PV KH&ĐS về sự điều chỉnh này, TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cho biết, Ban Giám hiệu cũng như các thầy cô giáo đã phải bàn bạc rất nhiều với nhiều phương án khác nhau.
Cuối cùng, nhà trường đã quyết định phương án giảm thời gian 1 tiết học online xuống còn 30 phút, và chỉ học vào buổi sáng.
“30 phút đó chủ yếu để giáo viên hướng dẫn, trao đổi, thảo luận. 15 phút của tiết học theo thời khóa biểu cũ dành cho các em tự học ở nhà, để giờ học hiệu quả hơn”, ông Lợi nói.
Ông Lợi cho biết, trước đây, vào năm 2012-2013, Trường chuyên Khoa học Tự nhiên đã thực hiện dự án dạy online, sau đó phát offline cho học sinh các trường khác học.
Khi đó, một tiết dạy online mà các thầy cô của Trường thực hiện cũng chỉ 25 phút. Thời gian này dựa trên cơ sở các thầy tính toán khả năng tập trung của các em trên màn hình máy tính (nhưng lúc đó, phong trào học online chưa rầm rộ cho nên dự án đã không thành công).
Khi dịch COVID-19 bùng phát, học sinh bắt đầu chuyển sang học trực tuyến, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến thời gian một tiết học online. Ông Lợi đã gọi một số nơi nhờ tư vấn, như Trường ĐH học Y Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục… nhưng không có câu trả lời, do chưa có nghiên cứu.
Việc quyết định điều chỉnh thời khóa biểu online này của nhà trường, do đó, đã dựa trên cơ sở quan sát thực tế học sinh học online trong hai tháng vừa qua, đồng thời lắng nghe góp ý của các phụ huynh học sinh cũng như các thầy cô giáo.
“Nhà trường nhận thấy, nếu cứ bắt học sinh “ôm” máy tính từ 7h sáng tới hơn 11h trưa thì không ổn, ngoài ra, còn một số em phải học tăng cường nâng cao vào buổi chiều. Cho nên, trường đã quyết định điều chỉnh”, ông Lợi nói.
Không phải dạy nhiều hay ít, mà là học sinh tiếp thu được gì
Ông Lợi cho biết, việc điều chỉnh thời khóa biểu đối với Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có một thuận lợi hơn đối với các trường đại trà, vì Trường có một hội đồng khoa học, bàn bạc, có thể thay đổi rất nhanh, không phụ thuộc quá nhiều vào các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, đối với học sinh trường chuyên, đặc biệt là học sinh của chuyên Khoa học Tự nhiên ý thức tự học cũng như năng lực của các em rất tốt. Cho nên, việc thời khóa biểu điều chỉnh cho các em tự học sẽ phù hợp.
Tuy nhiên, qua quan sát, thì có thể thấy rằng, đối với học sinh nói chung, nếu các em phải ngồi nhiều giờ trước máy tính sẽ dễ dẫn tới chán nản, học không hiệu quả. Một phần, xuất phát từ việc các em không thể tương tác với nhau như học trực tiếp.
Thực tế, một giờ học trực tiếp trên lớp, trừ phi giáo viên yêu cầu các em tập trung cao độ, còn không thì các em vẫn có thể trao đổi với nhau. Nhưng học online lại khác. Nếu các thầy đang giảng bài mà các em thảo luận thì sẽ bị chen vào micro của thầy.
Đặc biệt, còn là một số vấn đề ảnh hưởng sức khỏe các em như phụ huynh phản ánh (dù rằng chưa có khảo sát, nghiên cứu cụ thể).
Cho nên, theo ông Lợi, các trường nên lắng nghe ý kiến của các phụ huynh để có những điều chỉnh cho hợp lý. Đại dịch COVID-19 xảy ra chưa có trong tiền lệ, những thứ liên quan đến học online, trong đó có thời gian một tiết học chưa có nghiên cứu (hoặc đang nghiên cứu mà chưa cho kết quả), lúc này hoàn toàn phải làm theo khoa học thực nghiệm.
Theo đó, vừa làm, vừa quan sát rồi điều chỉnh dần. Và tùy theo từng đối tượng học sinh của mình để áp dụng cho hợp lý. Chẳng hạn, với những em chưa có ý thức tự giác, mà để các em tự học cũng sẽ không hiệu quả. Mọi sự điều chỉnh vì mục đích làm sao để giờ học hứng thú, đạt được hiệu quả cao nhất.
“Những năm chiến tranh, thậm chí đã có lúc chúng ta không thể thực hiện được cả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với chuyên Khoa học Tự nhiên, quan điểm của chúng tôi là không phải là dạy nhiều hay ít mà học sinh tiếp thu được bao nhiêu. Và việc học là cả đời chứ không phải 1-2 năm”, ông Lợi chia sẻ.
Với các phụ huynh, ông Lợi cho rằng, cũng cần phải căn cứ vào sức khỏe, khả năng thích ứng của mỗi đứa trẻ để có sự hỗ trợ con kịp thời. Thực tế, có những em học online nhiều giờ vẫn tập trung, nhưng cũng có những em chỉ vài chục phút đã xao nhãng.
Những học sinh không theo được các bài giảng online trong thời gian thì có thể cho các em xem lại các bài giảng của các thầy trên mạng, học qua truyền hình hoặc qua sách, tài liệu… Sẽ có rất nhiều kênh cho các con học, không chỉ học online.
Có thể áp dụng phương án “đục lỗ”, tuần này học, tuần sau nghỉ
Hiệu trưởng Trường chuyên Khoa học Tự nhiên cho biết, dựa trên quan sát thực tế, thời khóa biểu này có thể lại được điều chỉnh tiếp. Theo đó, nếu 1 tiết học 30 phút mà vẫn chưa ổn thì nhà trường sẽ mạnh dạn áp dụng phương án “đục lỗ”, tuần này học, tuần sau nghỉ. Mục tiêu là giảm thời gian tiếp xúc với máy tính của học sinh. Tuy nhiên, song song với đó vẫn phải đảm bảo chất lượng thông qua kiểm tra đánh giá, thảo luận.
Trước đó, trao đổi với KH&ĐS, thầy giáo Hồ Đắc Phương, giáo viên của Trường THPT chuyên Khoa học cho rằng, việc học sinh triền miên ngồi máy tính gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Thầy khẩn thiết đề nghị thay đổi, không thể bê nguyên thời khóa biểu dạy trực tiếp sang dạy online.