Không thể “bê” nguyên thời khóa biểu từ off sang on

Thầy Hồ Đắc Phương cùng các giáo viên cho rằng, việc ngồi máy tính triền miên có tác hại rất lớn tới sức khỏe học sinh, không thể “bê” nguyên thời khóa biểu dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến.

Trẻ suy giảm sức khỏe, mắc vào game... vì ngồi máy tính triền miên 

Em Nguyễn Quý M., học sinh lớp 10 một trường của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, ngày học online “cao điểm” nhất của em là gần 10 tiếng. Ngoài thời khóa biểu chính khóa cả sáng lẫn chiều, thì các buổi tối em còn học thêm môn Toán và Anh văn. Việc học online nhiều khiến em thấy mệt mỏi, nhưng không biết làm thế nào, vì các bạn cũng đều học như vậy.

Phản ánh tới KH&ĐS, nhiều giáo viên cho hay, thời gian học online “quá tải” đã có nhiều tác động xấu tới sức khỏe của các em, kể cả thể chất và tâm lý. Nhiều học sinh có những biểu hiện của việc kém tập trung, ngơ ngác, chậm phản ứng với các hoạt động của thế giới thực.

Trao đổi với KH&ĐS, thầy giáo Hồ Đắc Phương, giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, qua quan sát thì thấy, nếu học sinh phải ngồi máy tính triền miên, từ 7 - 10 tiếng một ngày sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe.

doi-tuyen-tin-thay-ho-dac-phuong(1).jpg
Học sinh đội tuyển Tin học của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Mai Loan.

Thực tế, đối với một học sinh phải ngồi 5 tiếng học online theo thời khóa biểu của trường, lại còn thêm 2-3 giờ trước máy để làm bài tập ở tất cả các môn, chưa kể với những bạn học thêm, thời gian có thể lên tới 10 tiếng một ngày sẽ vô cùng mệt mỏi.

“Các em sẽ bị suy giảm sức khỏe, suy giảm tập trung, dễ bị mắc vào game, facebook mà hậu quả có thể rất rất lớn”, thầy Phương nói.

Theo thầy Hồ Đắc Phương, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, có khả năng phải hết học kỳ I, học sinh mới có thể quay lại học trực tiếp tại trường. Đây là thời điểm rất khó khăn cho toàn xã hội, trong đó có giáo dục.

Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh kịp thời để giảm những tác hại của việc học online đối với sức khỏe của học sinh.

"Và một trong những giải pháp là không thể bê nguyên thời khóa biểu từ off sang on, từ dạy trực tiếp sang dạy online", thầy Phương nhấn mạnh.

Cần giảm giờ học online trước máy

Để giảm thời gian ngồi trước máy của các học sinh, theo thầy Phương, với các môn như như Sinh, Sử, Địa, Thể dục, Giáo dục công dân... có thể một vài giáo viên các bộ môn cùng phân chia nội dung, dạy cho toàn bộ một khối lớp trong một đơn vị thời gian, sau đó cho học sinh nghe. Rồi giáo viên từng lớp chấm trong một dự án, cho điểm luôn cho toàn bộ học kỳ 1.

Như vậy sẽ tiết giảm số giờ dạy của các giáo viên các môn học này. Triệt để hạn chế việc giao nhiều bài tập hàng tuần.

Ngoài ra, cần tăng cường tự học cho học sinh, giảm giờ học online trước máy. Làm công tác kết hợp chặt chẽ với phụ huynh, tiết giảm thời gian dùng máy tính.

“Tôi cho rằng, các nhà trường cần dũng cảm, mạnh dạn suy nghĩ về việc cải cách công việc giảng dạy cho phù hợp với tình hình mới. Cần lấy học sinh làm trung tâm, ngoài yếu tố bài vở, các thầy cô cần quan tâm đến cả các yếu tố tâm sinh lý lứa tuổi của các em nữa”, thầy Phương nói.

Cô giáo Lê Thị Thanh Loan, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cũng cho rằng, việc học trực tuyến có nhiều khó khăn so với học trực tiếp khiến các em mệt mỏi, trong đó có vấn đề về thời gian học.

Thực tế, khi học online, các em ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại khác với học trực tiếp. Nếu thời khóa biểu của nhà trường không có điều chỉnh hợp lý, vẫn “bê nguyên” từ học trực tiếp sang học online thì trẻ sẽ rất mệt.

Ví dụ, thời khóa biểu ở trường khi học trực tiếp là 8 tiết/ngày, sáng 4 tiết, chiều 4 tiết. Nếu vẫn giữ nguyên thời khóa biểu đó, trẻ phải ngồi máy tính cả sáng lẫn chiều từng ấy thời gian sẽ khó tập trung.

Ngoài ra, về thời lượng một tiết học. Theo quy định, một tiết học đối với học trực tiếp là 45 phút, nhưng với học online, hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy việc ngồi máy tính bao nhiêu phút là phù hợp.

Thực tế, nhiều học sinh phản ánh về việc ngồi máy tính lâu dẫn tới việc các em mệt mỏi. Qua quan sát thì thấy, các em chỉ có thể tập trung trong khoảng thời gian khoảng 30 phút.

“Cho nên, để giảm những áp lực, mệt mỏi cho học sinh trong việc học online cần có sự điều chỉnh từ nhiều phía, trong đó có nhà trường. Tuy nhiên, cũng có cái khó là khung chương trình vẫn thế, các học sinh vẫn thi theo chương trình như vậy...”, cô Loan nói.

Theo cô giáo Lê Thị Thanh Loan, các giáo viên cũng cần có sự điều chỉnh về phương pháp dạy, không thể giữ cách giảng trực tiếp sang dạy online. Có một số môn, các thầy cô chưa kịp chuyển dịch sang để dạy học online, các em sẽ khó mà ngồi 45 phút theo dõi qua máy tính những bài giảng “không hấp dẫn”.

Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top