Hỏi: Ở Việt Nam có trồng được các giống cây ôn đới như lavender, hương thảo, bạc hà cay… không?
Trần Quý Quỳnh (Hà Giang)
TS Lưu Đàm Ngọc Anh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Đã có những nghiên cứu chính thức về các loài ôn đới khi trồng thử nghiệm ở Việt Nam cho kết quả khá tốt. Nghiên cứu phát triển các cây tinh dầu thương mại có nguồn gốc ôn đới là giải pháp nhằm giải quyết tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay. Hằng năm nước ta phải nhập khẩu một khối lượng lớn các tinh dầu bạc hà cay, oải hương, hương thảo... để phục vụ cho công nghiệp hương liệu, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, chăm sóc sắc đẹp…
Sau 3 năm triển khai nghiên cứu thử nghiệm thuần hóa các giống cây tinh dầu thương mại có giá trị kinh tế cao có nguồn gốc từ Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus... Đề tài đã tiến hành nhập nội 25 giống cây tinh dầu thuộc các loài bạc hà Âu (Mentha piperita), cúc La Mã (Matricaria chamomilla), oải hương (Lavandula angustifolia), hương thảo (Rosmarinus officinalis) và xôn (Salvia officinalis), ... Bước đầu xác định và lựa chọn được 1 giống bạc hà Âu (nguồn gốc: Vườn Thực vật Moskva, Viện Hàn lâm Khoa học Nga), 2 giống cúc La Mã (giống Ngoại ô Moskva và Camly, nguồn gốc LB Nga), 1 giống oải hương (nguồn gốc: Vườn Thực vật trung tâm, Viện Hàn lâm Khoa học Belarus). Đây là các giống sinh trưởng tốt tại Tây Nguyên, cho hàm lượng và năng suất tinh dầu đạt yêu cầu. Ngoài ra, 2 giống sả có hàm lượng tinh dầu, citral và citronellal cao cũng được lựa chọn để trồng thử nghiệm trong các mô hình.
Trong điều kiện khí hậu Tây Nguyên các giống cây oải hương, hương thảo, cúc La Mã và sả sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng tinh dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng giống bạc hà Âu, mặc dù sinh trưởng tốt, năng suất cao, nhưng thành phần hóa học của tinh dầu còn biến động qua các lần thu hoạch nên cần tiếp tục theo dõi thêm. Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng có tiềm năng rất lớn để phát triển cây tinh dầu thân thảo có nguồn gốc ôn đới và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu.