Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại cây trồng nông nghiệp, nghề trồng hoa và cây cảnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Theo số liệu điều tra, hiện cả nước có khoảng gần 45 nghìn ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản lượng ước tính đạt 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm.
Một trong những tồn tại nhất của ngành sản xuất hoa cây cảnh hiện nay là phần nhiều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu cái nhìn tổng quan lâu dài để hoạch định chiến lược và giải pháp cụ thể cho phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong sản xuất như nhiều giống hoa cây cảnh đẹp, có giá trị thương mại cao đang nhập từ nước ngoài và liên quan đến bản quyền nếu ta xuất khẩu; chưa phát huy hết lợi thế của từng địa phương để phát triển chủng loại cây phù hợp; nhiều kinh nghiệm sản xuất quý báu chưa được tổng kết nhân rộng; việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn hạn chế; chính sách cho sản xuất hoa cây cảnh còn chung chung so với các cây trồng khác và chưa đủ mạnh để giúp phát triển bứt phá khai thác hết tiềm năng của ngành sản xuất tiềm năng này. Đặc biệt có một tồn tại rất lớn đó là chưa có sự kết nối giữa các cơ quan khoa học, các cơ quan đơn vị tạo ra nền tảng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin với các đơn vị (doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại...) sản xuất, kinh doanh về cây hoa.
Trồng hoa lan bằng công nghệ 4.0. |
Trong hoạt động của hội thảo, các đại biểu đã thăm quan mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao của Viện Nghiên cứu Rau quả, phân tích thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển ngành hoa của Việt Nam, giới thiệu 1 số mô hình sản xuất kinh doanh hoa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0.