Nhờ có công nghệ, hoa lan hồ điệp trồng trong nước có nhiều đặc tính nổi trội về kiểu hình, có mùi thơm, có nhiều ngồng, đẹp hơn hẳn hoa nhập khẩu.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết trung tâm chính là một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu của cả nước về hoa lan hồ điệp nhờ áp dụng công nghệ 4.0. Công nghệ nuôi trồng lan hồ điệp ứng dụng “4.0” giúp tự động hóa gần như mọi khâu, từ đó cắt giảm nhân công, tăng cường chất lượng thành phẩm, tối đa hóa lợi nhuận. Công nghệ 4.0 giúp quản lý, điều khiển từ xa ở tất cả các khâu. Cụ thể, với công nghệ này, chúng tôi có thể tính toán, kiểm soát các yếu tố đầu vào như: Chất lượng cây giống, chi phí nhân công, chi phí điện năng. Về kiểm soát tại chỗ, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chế độ dinh dưỡng đều được lập trình và tự đồng điều chỉnh để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tối ưu nhất của cây.
Với kỹ thuật lai tạo giống, các nhà khoa học có thể cho ra đời những giống hồ điệp mini, với nhiều ngồng hoa và vẫn rất đẹp khi đứng một mình. Với loại hồ điệp này, người tiêu dùng chỉ mất vài trăm ngàn đồng để chơi, mức giá cũng không quá chênh lệch so với việc lựa chọn các loại hoa phổ thông khác như hoa ly, hoa hồng, hoa cúc, trong khi hoa lan lại có độ bền lên đến nhiều tháng trời.
Để có được một cây lan hồ điệp thành phẩm từ cây giống nuôi cấy mô, phải mất trung bình 24 tháng với 3 lần sang bầu. Đặc biệt, vào tháng thứ 15-16 có một công đoạn khó nhất gọi là xử lý phân hóa mầm hoa. Công đoạn này thường rơi vào 15 tháng 7 âm lịch, lúc đó cần phải đảm bảo nhiệt độ nuôi trồng mát lạnh (ban ngày 26-28 độ C, ban đêm 16-18 độ C). Tiếp theo, phải điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, phân bón phù hợp thì cây mới ra hoa đồng loạt.
Đăng Khoa