Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung các đối tượng áp dụng, gồm cán bộ, công chức, viên chức, người hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15/1/2019 và lực lượng vũ trang còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định này không chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế.
Bổ sung người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tại các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương và địa phương do tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập.
![]() |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn |
Cùng với đó là cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm quy định tại Nghị định số 177/2024 của Chính phủ; cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội còn từ 2,5 năm (30 tháng) đến 5 năm (60 tháng) đến đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 177 và cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy còn từ 5 năm (60 tháng) trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự cấp ủy trong kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp lãnh đạo, quản lý bảo đảm số lượng theo đúng quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội phát triển, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung quy định: "Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".
Về sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ thêm của địa phương (khoản 6 Điều 19), theo Bộ Nội vụ, hiện nay một số địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ thêm đối với các đối tượng đã được giải quyết theo quy định tại Nghị định này với mức hỗ trợ chênh lệch quá lớn (có tỉnh hỗ trợ mức 100%, có tỉnh hỗ trợ mức 10%, có tỉnh thì hỗ trợ bằng số tiền tuyệt đối tối đa 300 triệu đồng/người...). Do vậy, để đảm tương quan về chính sách, chế độ giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương, đề nghị quy định chính sách hỗ trợ thêm của địa phương tối đa là 30%.
Các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định số 177/2024/NĐ-CP từ ngày 1/1/2025 đến trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu chính sách, chế độ thấp hơn so với chính sách, chế độ quy định tại Nghị định này thì được cấp bù theo chính sách, chế độ tại Nghị định này.