Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm gần phản đối kế hoạch tập trận Mỹ - Hàn

(khoahocdoisong.vn) - Theo tuyên bố của hai Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản, sáng 25.07.2019, Triều Tiên phóng đã hai tên lửa tầm gần hướng tới vùng Biển Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá, đây có thể là một nỗ lực của Bình Nhưỡng để gây áp lực lên Mỹ, trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc tuyên bố cụ thể, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm gần vào 05:34 và vụ phóng thứ hai diễn ra vào lúc 5:57 sáng, địa điểm phóng là từ bán đảo Hodo, gần thị trấn ven biển phía đông Wonsan.

Quân đội Hàn Quốc cho biết: một tên lửa Triều Tiên bay được khoảng 430 km, tên lửa thứ hai bay được 690 km, có thể là một loại tên lửa mới. Cả 2 tên lửa đều đạt độ cao 50 km, tương tự như những tên lửa mà quân đội Triều Tiên đã phóng vào tháng 05.2019.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, những tên lửa - có thể là Scud-C hoặc KN-23 - có cấu trúc bên ngoài giống với Iskander do Nga thiết kế. Iskander là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được biên chế lực lượng tên lửa chiến thuật của Nga.

Sau khi Bình Nhưỡng phóng hai tên lửa tầm gần, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi đối thoại chính trị nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Quan chức ngoại giao Trung Quốc khẳng định, vụ phóng tên lửa này là hành động phản đối những cuộc tập trận quân sự chung đã được lên kế hoạch từ trước giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh - tuyên bố: Mỹ và Triều Tiên cần tiếp tục nối lại đàm phán càng sớm càng tốt. 

Bà Hoa nói: “Các bên liên quan nên trân trọng những cơ hội khó giành được để đối thoại và giảm bớt căng thẳng. Họ cần bày tỏ sự chân thành và góp phần giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Triều Tiên thông qua những biện pháp chính trị và đối thoại”.

Tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya thông báo, Nhật Bản đang phân tích quỹ đạo tên lửa để xác định có phải là tên lửa đạn đạo hay không.

Ông Iwaya nhận xét: Nếu các tên lửa này cùng loại phóng vào tháng 05.2019, Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, ngăn chặn Triều Tiên sở hữu công nghệ tương tự như Iskander của Nga.

Mỹ giữ phản ứng ban đầu tương đối im lặng đối với vụ phóng tên lửa, cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng sẽ không bị chỉ trích quá nhiều khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington với Bình Nhưỡng đang đình trệ.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ, trả lời phỏng vấn Thời báo Nhật Bản (The Japan Times) với điều kiện giấu tên nói: “Chúng tôi có nhận được các báo cáo về việc Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm gần. Chúng tôi không có bình luận gì thêm”.

Còn phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân ở cấp độ thừa hành đang tạm dừng sẽ được khởi động lại vào tháng 07.2019.

Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng bày tỏ sự thất vọng với Washington và Seoul. Ngày 16.07.2019, Triều Tiên đưa ra cảnh báo, nếu Mỹ không dừng cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc, dự kiến được triển khai ​​vào tháng 08.2019, Bình Nhưỡng có thể hủy bỏ những nỗ lực bắt đầu cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và có khả năng tiếp tục những cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa.

Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố, cuộc diễn tập 19-2 Dong Maeng (Liên minh) sẽ được triển khai vào tháng 8, Seoul ám chỉ rằng cuộc diễn tập có thể được thay đổi tên gọi.

Ngày 23.07.2019, thông tấn nhà nước Triều Tiên cho biết: Chủ tịch Kim cùng các quan chức quốc phòng đến thăm và kiểm tra một tàu ngầm mới được chế tạo để hoạt động trên biển Nhật Bản. Đây là một trong những hoạt động biểu dương sức mạnh có liên quan đến tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên này kể từ tháng 11.2017.

Những bức ảnh với bản tin cho thấy, Chủ tịch Kim và các quan chức đang đứng gần chiếc tàu (có thể là tàu ngầm chiến lược có khả năng mang phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân).

Lần thể hiện sức mạnh quân sự công khai và thuyết phục gần đây nhất của Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân là vào tháng 11.2017. Khi đó, Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 (ICBM). Chính quyền ông Donald Trump thừa nhận tên lửa này có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố dừng vô thời hạn các vụ thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân, và tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng các vòng đàm phán đang bị kéo dài thời gian. Tổng thống Donald Trump ngày 22.07.2019 cho biết, vòng đàm phán mới chưa được lên lịch, nhưng khi Bình Nhưỡng sẵn sàng, Washington cũng sẽ sẵn sàng.

Diễn biến tình huống trở lên phức tạp hơn khi Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên - ông Ri Yong Ho - được cho là có thể không tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN tại Thái Lan vào đầu tháng 08/2019. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến ​​sẽ tham dự diễn đàn này. Giới ngoại giao thế giới cho rằng hai nhà ngoại giao hàng đầu của hai quốc gia này sẽ có cơ hội tiến hành các cuộc thảo luận tháo gỡ sự căng thẳng bên lề diễn đàn.

Theo bà Jean Lee, cựu Giám đốc Văn phòng Associated Press ở Bình Nhưỡng, hiện lãnh đạo Trung tâm phân tích chiến lược Wilson của Washington về Chương trình Triều Tiên cho rằng, dù Nhà Trắng giữ thái độ im lặng, vụ phóng tên lửa này là dựa trên những mục tiêu đặt ra từ lâu của Triều Tiên.

Bà Jean Lee viết trên tài khoảng Twitter: Đây là chiến lược đáng báo động, tổng thống Donald Trump sẵn sàng bỏ qua những vụ phóng tên lửa tầm gần của Bắc Triều Tiên, trong khi ông Kim tập trung phát triển các vũ khí có khả năng đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Kim muốn chia rẽ các đồng minh bằng cách tạo lên nỗi sợ hãi xung đột, gây áp lực buộc các quốc gia láng giềng của Triều Tiên phải hành động theo hướng Nhà Trắng mong muốn.

Bà Jean Lee nhấn mạnh: Đây là thời gian mà Hàn Quốc và Nhật Bản cần gạt bỏ sự khác biệt để tập trung vào mục tiêu lớn hơn - an ninh khu vực. Nhưng tôi sợ những hành động này của Mỹ và Triều Tiên sẽ chỉ thúc đẩy cuộc tranh luận về việc Hàn Quốc và Nhật Bản có nên chế tạo vũ khí hạt nhân cho chính mình hay không.

Kênh truyền hình KBS News đăng thông tin Triều Tiên phóng thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo tầm gần

Theo TGO
back to top